Đề xuất sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

(BĐT) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đề xuất sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Việc sửa đổi nhằm luật hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về DNNN, đồng thời góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 định nghĩa: “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đề xuất: “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan xây dựng Luật, hướng sửa đổi này có ưu điểm là luật hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng về DNNN, khẳng định sự bình đẳng giữa các cổ đông Nhà nước và cổ đông bên ngoài khi Nhà nước tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp cổ phần, sở hữu vốn góp chi phối với tư cách cổ đông, thành viên góp vốn theo Luật Doanh nghiệp.

Bày tỏ đồng tình với đề xuất sửa đổi khái niệm trên, một chuyên gia về DNNN cho rằng, việc sửa đổi khái niệm DNNN để phù hợp với tình hình mới cũng như tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là rất cần thiết. Song, đây cũng là vấn đề lớn, phức tạp chứ không đơn thuần chỉ là sửa đổi một thuật ngữ. Theo chuyên gia này, DNNN liên quan đến nhiều mặt. Về mặt pháp lý, thuật ngữ “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” dùng trong các văn bản pháp luật không nhiều, gần như chỉ xuất hiện trong Luật Doanh nghiệp và một vài điều khoản ở các luật khác. “Tuy nhiên, việc sửa đổi khái niệm theo hướng đề xuất nêu trên sẽ có tác động lớn đối với khu vực thực thi hơn là khái niệm pháp lý, bởi liên quan đến chính sách đầu tư, chính sách cán bộ và sự tuân thủ thống kê cũng như báo cáo về khu vực DNNN trong nền kinh tế”, chuyên gia lưu ý và nhấn mạnh, việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần hết sức cẩn trọng chứ không đơn giản chỉ là sửa về mặt thuật ngữ.

Đồng tình với hướng sửa đổi khái niệm về DNNN như đề xuất tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, khái niệm về DNNN cần chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo khối doanh nghiệp này hoạt động theo cơ chế thị trường, đó là công khai, minh bạch. Do đó, ông Hải cho rằng: “DNNN phải là doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và phải niêm yết trên sàn chứng khoán”. Những doanh nghiệp nào không hội tụ đủ điều kiện này thì phải chuyển đổi, phải cổ phần hóa hết. Hơn nữa, khi quy định “tiêu chuẩn cao” như vậy sẽ buộc tất cả DNNN hoạt động một cách công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng với khu vực tư nhân.

Ngoài đề xuất nêu trên, đại diện VAFI cũng cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần có thêm đóng góp đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN thông qua việc đốc thúc các doanh nghiệp này cổ phần hóa, niêm yết… “Chúng ta cần có những cải cách nhằm thay đổi quản trị, giải quyết “gốc rễ” của những bất cập tồn tại trong khối DNNN lâu nay”, ông Hải nhấn mạnh.

Liên quan đến DNNN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe. Theo cam kết, các DNNN của Việt Nam phải tuân thủ 4 nghĩa vụ. Đó là, phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; và Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Chuyên đề