Đẩy lùi chi phí không chính thức: Cuộc chiến cam go

(BĐT) - Chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức, lâu nay gây ra vô vàn khó khăn, thậm chí là rủi ro cho doanh nghiệp (DN) trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh. Nghị quyết số 139/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành đã đưa ra kế hoạch hành động cắt giảm chi phí cho DN. Liệu việc thực hiện Nghị quyết có đơn giản?
Cần thay đổi thái độ làm việc của công chức, nhất là ở cấp sở, huyện với DN theo hướng coi DN là đối tác. Ảnh: Nhã Chi
Cần thay đổi thái độ làm việc của công chức, nhất là ở cấp sở, huyện với DN theo hướng coi DN là đối tác. Ảnh: Nhã Chi

Nhức nhối chi phí không chính thức

Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho DN ban hành cùng Nghị quyết số 139/NQ-CP nhấn mạnh, trong những năm gần đây, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là một trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành. Nhiều nghị quyết của Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện, góp phần giảm gánh nặng chi phí kinh doanh nói chung và chi phí tuân thủ pháp luật nói riêng cho DN. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, chi phí vẫn là vấn đề nhức nhối gây nên vô vàn khó khăn cho DN. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 59,3% DN cho biết vẫn phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; lãnh đạo của khoảng 30% DN phải dành hơn 10% quỹ thời gian cho tìm hiểu và tuân thủ quy định pháp luật; 44% DN cho rằng thủ tục thuê, mua đất phức tạp...

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nhìn nhận, chi phí là vấn đề lâu nay đã tạo nên khó khăn rất lớn cho DN, khiến DN không tiên liệu, không dự tính được những chi phí mình phải trả trong hoạt động kinh doanh. Nhiều khi chi phí đội lên rất lớn khiến DN không thể lớn lên, không dám mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng bức xúc: “Nhiều DN hiện nay cho biết, thực tế số thủ tục hành chính giảm nhiều, nhưng chi phí ngoài pháp luật của DN vẫn tăng lên, phong bì phải nặng lên”.

Để giảm thiểu chi phí, loại bỏ rủi ro cho DN, Chương trình hành động đặt mục tiêu cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho DN; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh. 

Nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo địa phương

Triển khai Nghị quyết số 139/NQ-CP, Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện cắt giảm chi phí cho DN. Đối với chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường, các đơn vị cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật theo hướng không quy định các nội dung có tính chất điều kiện kinh doanh. Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP để tạo cơ sở cắt giảm chi phí giao dịch giữa DN và cơ quan nhà nước; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Quyết định số 985/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Về chi phí logistics và thương mại qua biên giới, Bộ Tài chính chủ trì, đôn đốc các bộ, ngành thực hiện đầy đủ việc xây dựng cơ chế Một cửa quốc gia, Một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại. Bộ Giao thông vận tải rà soát các hợp đồng BOT giao thông, đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư…

Đặc biệt, với chi phí không chính thức, các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tạo gánh nặng cho DN; xây dựng quy tắc đạo đức công vụ; công khai, minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là nạn đưa hối lộ và nhận hối lộ ở mọi cán bộ công chức, ở mọi cấp chính quyền…

Theo ông Nguyễn Đình Cung, việc thực hiện thành công Chương trình hành động đặt ra tại Nghị quyết là cực kỳ khó khăn nếu không có sự vào cuộc của các chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lý do là phải thay đổi được thái độ làm việc của công chức thực hiện, nhất là ở cấp sở, cấp huyện với DN theo hướng coi DN là đối tác chứ không theo kiểu “xin - cho”. Có như vậy mới mong chi phí không chính thức giảm. “Chủ tịch của các UBND cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công hay không trong cắt giảm chi phí không chính thức cho DN”, ông Cung nói.

Về vấn đề này, một số ý kiến khác cũng cho rằng, cần tăng cường công tác giám sát, từ đó cắt giảm triệt để chi phí để DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề