Đặt kế hoạch lợi nhuận 90 tỷ, TISCO có quá lạc quan?

(BĐT) - Mặc dù thừa nhận tình hình tài chính cực kỳ khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn khá lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2019. Cụ thể, theo báo cáo riêng, TISCO dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt 90 tỷ đồng, tăng trưởng 150% so với năm 2018.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngờ vực với mục tiêu lợi nhuận của TISCO trong bối cảnh khó khăn của ngành thép và của chính doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngờ vực với mục tiêu lợi nhuận của TISCO trong bối cảnh khó khăn của ngành thép và của chính doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

Không dễ hiện thực hóa

Đây có thể coi là một kế hoạch kinh doanh khá lạc quan của TISCO khi mà 2019 được dự báo là một năm khó khăn đối với ngành thép.

Ngay cả “ông lớn” ngành thép như Hòa Phát cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 giảm tới 22% so với năm 2018. Thực tế, theo chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, lợi nhuận ròng quý I/2019 của doanh nghiệp này đã giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1.700 tỷ đồng. Do vậy, cũng có lý khi nhiều nhà đầu tư tỏ ra ngờ vực với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên của TISCO.

Về khó khăn tài chính, số dư công nợ phải thu khó đòi của TISCO vẫn ở mức khá cao. Cụ thể, tổng nợ xấu của TISCO tính đến thời điểm 31/12/2018 lên tới 852 tỷ đồng, chiếm tới 82% tổng các khoản phải thu ngắn hạn. Trong khi một lượng vốn lớn bị chiếm dụng, vốn lưu động của TISCO sẽ ngày càng phụ thuộc vào vốn vay, qua đó làm gia tăng chi phí tài chính.

Thực tế, chi phí tài chính của TISCO đã bắt đầu gia tăng từ năm 2017. TISCO cho biết, từ cuối tháng 4/2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỷ đồng ra khỏi Công ty làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi; các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp. Mặt khác, do Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay, đồng thời đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm làm cho TISCO gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền phục vụ sản xuất, chi phí tài chính cao.

Ngoài khó khăn nội tại, giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3 khiến không ít doanh nghiệp lo lắng khi chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo, nhất là đối với các doanh nghiệp ngành thép.

Bên cạnh đó, một khó khăn khác không chỉ của riêng TISCO là giá quặng sắt bất ngờ tăng cao sau thảm họa vỡ đập hồ chứa chất thải khoáng sản tại Brazil cuối tháng 1/2019. Vụ vỡ đập này đã khiến Tập đoàn khai thác mỏ Vale - nhà sản xuất và khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới - bị tước giấy phép khiến nguồn cung quặng sắt bị ảnh hưởng và giá tăng vọt.

Cụ thể, năm 2018, giá quặng sắt dao động trong khoảng 65 USD/tấn thì sang năm 2019 đã tăng vọt lên khoảng 85 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 90 USD/tấn, tương ứng với mức tăng khoảng 30 - 35%.

Chi phí gia tăng cũng đồng nghĩa tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu của TISCO trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ bị giảm theo. Giả sử, năm 2019, Công ty vẫn có thể duy trì tỷ suất sinh lời là 0,3% như năm 2018 thì với kế hoạch doanh thu đạt 14.219 tỷ đồng, có thể ước tính lợi nhuận trước thuế của TISCO đạt khoảng 42,6 tỷ đồng. 

Biến động nhân sự

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh tích cực năm 2019, nhân sự cấp cao của TISCO cũng có nhiều thay đổi.

Cụ thể, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của TISCO diễn ra mới đây đã thông qua việc miễn nhiệm 7 thành viên Hội đồng quản trị, 5 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Một trong những thay đổi lớn là ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng (sở hữu 20% vốn Gang thép Thái Nguyên) rút khỏi vị trí ủy viên Hội đồng quản trị TISCO. Thay thế ông Tuấn nhiệm kỳ 2019 - 2024 là ông Phạm Công Thảo - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam.

Tuy nhiên, Công ty CP Thương mại Thái Hưng vẫn đề cử 4 người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm: Lê Hồng Khuê - Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty CP Thương mại Thái Hưng (số cổ phần uỷ quyền của Thái Hưng mà ông Khuê đại diện là 22,596 triệu cổ phần); bà Nguyễn Thuý Nga - Phó ban Pháp chế; ông Bùi Quang Hưng - kế toán viên, thành viên Ban kiểm soát Công ty CP Thương mại Thái Hưng và ông Lê Thành Thực - Phó Tổng giám đốc kinh doanh kiêm Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Thương mại Thái Hưng (đại diện 14,2 triệu cổ phần).

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, liệu dàn lãnh đạo mới có thể chèo lái “con thuyền” TISCO theo đúng kế hoạch kinh doanh đã định hay không? Câu trả lời sẽ có trong thời gian tới, trước mắt là kết quả kinh doanh quý I/2019.

Chuyên đề