Công ty TNHH Thương Mại Minh Khang: “Vỡ trận” vì đầu tư dàn trải

(BĐT) - Câu chuyện Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn (Nghệ An) nợ cán bộ, y bác sĩ 8 tháng lương và bảo hiểm xã hội mới đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Lĩnh vực y tế vốn được xem còn dư địa lớn do năng lực đáp ứng của khu vực công hiện đang quá tải, vì sao một bệnh viện tư nhân lại lâm vào tình trạng bi đát này?
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn chưa thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Nguyễn Duy
Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn chưa thoát khỏi khó khăn. Ảnh: Nguyễn Duy

Đầu tư dàn trải

Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn được thành lập năm 2009 do Công ty TNHH TM Minh Khang (Công ty Minh Khang) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của Bệnh viện lên tới 10 triệu USD (175 tỷ đồng), trong đó đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế là 75 tỷ đồng.

Ngày 30/7/2016, cán bộ, y bác sĩ và người lao động của Bệnh viện đã đồng loạt nghỉ việc vì phản ứng với sự thất hứa của Lãnh đạo Bệnh viện trong việc thanh toán tiền lương. Trước tình hình đó, ngày 2/8, đại diện Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức buổi làm việc liên ngành đối thoại với Bệnh viện và cán bộ, y bác sĩ và người lao động làm việc tại Bệnh viện. Đoàn công tác liên ngành đã yêu cầu Lãnh đạo Bệnh viện cam kết trả lương; ngoài ra đảm bảo ít nhất 2 tỷ đồng để bổ sung đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Cắt nghĩa tình trạng nợ lương kéo dài này, một nhân viên làm việc 7 - 8 năm tại Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu: “Nguyên nhân sâu xa của việc nợ lương kéo dài là do Công ty Minh Khang đầu tư nhiều nơi cùng một lúc, nhưng không suôn sẻ. Hiện Công ty đang đầu tư một loạt bệnh viện ở các địa phương khác như: Bệnh viện Thăng Long (Bắc Ninh), Bệnh viện Thành An ở Phnôm Pênh (Campuchia), Bệnh viện Đa khoa Thành An - FHS (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh)”. Ông Nguyễn Quang Duy – Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhận định: “Có thể còn do nguyên nhân nội tại của Bệnh viện, hoạt động kém hiệu quả trong một thời gian dài”.

Dự án mắc kẹt vì không xoay được vốn

Sau khi đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Thành An - Sài Gòn, năm 2014 Công ty Minh Khang tiếp tục khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Thành An - FHS tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô gần 11.000 m2 với mục đích là để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên của Công ty FHS. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Khoảng 1 - 2 năm sau khi đi vào hoạt động, Chủ đầu tư sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nâng công suất của Bệnh viện lên 300 giường.

Công ty Minh Khang cho rằng, BOO là phương thức đầu tư mới, ít phổ biến ở Việt Nam, luật pháp cũng chưa hoàn chỉnh, do vậy Công ty hoàn toàn dựa vào những ý kiến đề xuất của phía đối tác (Công ty FHS) để ký hợp đồng.
Đây là dự án hợp tác giữa Công ty Minh Khang và FHS theo Hợp đồng hợp tác y tế BOO số 01302/BOO-FHS ngày 2/11/2013 và Hợp đồng sử dụng đất dự án số 01303/BOO-FHS ký ngày 2/11/2013. Trong tổng số gần 11.000 m2, diện tích phần xây dựng Bệnh viện là 3.641 m2 với số vốn đầu tư là 249 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của Công ty Minh Khang là 30% (tương đương khoảng hơn 70 tỷ đồng); vốn vay của FHS là 2 triệu USD (khoảng 43 tỷ đồng); còn lại vay Ngân hàng Bảo Việt khoảng 6 triệu USD (gần 130 tỷ đồng).

Công ty Minh Khang cho rằng, BOO là phương thức đầu tư mới, ít phổ biến ở Việt Nam, luật pháp cũng chưa hoàn chỉnh, do vậy Công ty hoàn toàn dựa vào những ý kiến đề xuất của phía đối tác (Công ty FHS) để ký hợp đồng.

Cách đây khoảng 2 tháng, Công ty Minh Khang đã phải “kêu cứu” các cơ quan chức năng vì bị sa lầy trong Dự án này sau khi xảy ra vụ việc FHS gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở biển miền Trung vào tháng 4/2016. Theo đó, Công ty Minh Khang đã hoàn thành khoảng 75% giá trị xây lắp toàn Bệnh viện và thiết bị, toàn bộ số tiền đã đầu tư khoảng 160 tỷ đồng, trong đó vay của FHS là gần 30 tỷ đồng, còn lại Chủ đầu tư bỏ ra gần 130 tỷ đồng. Trong khi đó, cho đến nay, Công ty Minh Khang vẫn chưa thu xếp được vốn với khoản vay Ngân hàng Bảo Việt (đề nghị vay từ giữa năm 2014 nhưng cho đến ngày 24/5/2016, Ngân hàng này mới đồng ý đầu tư vốn và giải ngân vào tài khoản cho Công ty 50 tỷ đồng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được sử dụng khoản tiền này). Ngân hàng Bảo Việt yêu cầu FHS gia hạn tiến độ cam kết thêm 2 tháng mới đồng ý giải ngân.

Do hoàn cảnh khó khăn về vốn, phải nợ tiền nhà thầu (tiền vật tư, lương công nhân, kể cả lương nhân viên toàn bộ Công ty…), ngày 26/6/2015, Công ty Minh Khang đã ký thêm hợp đồng vay vốn FHS (Hợp đồng hợp tác y tế BOO số 01501/BOO-FHS với cam kết Chủ đầu tư đưa Bệnh viện giai đoạn 1 vào hoạt động vào ngày 19/5/2016). Dự án bị chậm tiến độ nên FHS không giải ngân số vốn như đã cam kết.

Trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Công ty Minh Khang và Dự án bị chậm tiến độ, ông Duy cho biết: “Ngày 7/7/2016 Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã có Văn bản số 35/HHBVTN đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp này. Đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo Sở KH&ĐT Hà Tĩnh phối hợp với các bên liên quan tìm hướng khắc phục. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó, chưa thể giải quyết ngay, một phần chịu tác động khách quan từ sự cố môi trường của FHS”.

Báo Đấu thầu sẽ trở lại vấn đề này.

Chuyên đề