Cổ phiếu Techcombank chào sàn ngày 4/6

Giá tham chiếu TCB là 128.000 đồng nhưng sau khi lên sàn và chia cổ phiếu thưởng có thể được điều chỉnh về khoảng 40.000 đồng.

Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố kế hoạch niêm yết trên HoSE vào ngày 4/6, với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng. Với mức giá này, vốn hóa Techcombank ngày niêm yết đạt gần 150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD.

Sau niêm yết, Techcombank cũng dự kiến tăng vốn điều lệ với quy mô gấp 3 lần thông qua chia cổ thưởng. Theo đó, vốn điều lệ của nhà băng này dự kiến tăng từ 11.655 tỷ đồng lên 34.966 tỷ đồng. Phiên họp bất thường thông qua kế hoạch tăng vốn sẽ được tổ chức ngày 14/6, 10 ngày sau khi niêm yết. Thời gian thực hiện dự kiến là giữa tháng 7/2018.

Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, nguồn tăng vốn sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Trong số này, nguồn thặng dư vốn có quy mô lớn nhất gần 14.000 tỷ đồng, chủ yếu từ việc bán cổ phiếu quỹ gần đây sau khi mua lại của cổ đông chiến lược HSBC.

Trước câu hỏi về việc giá khởi điểm 128.000 đồng, gấp hơn hai lần cổ phiếu của Vietcombank liệu có quá cao, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc đầu tư của Techcombank cho rằng giá cổ phiếu đắt hay rẻ không phải do Techcombank quyết định mà từ nhu cầu của nhà đầu tư. Lần bán cổ phiếu quỹ mới đây, nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài gấp nhiều lần nguồn cung.

Theo đại diện Techcombank, chia cổ phiếu thưởng ngay sau khi niêm yết, ngoài việc chia lợi nhuận tích lũy và thặng dư vốn cho các cổ đông, còn giúp điều chỉnh thị giá cổ phiếu TCB trở nên hợp lý. Với tỷ lệ chia cổ thưởng lên tới 200%, thị giá cổ phiếu TCB trên thị trường tại ngày chốt quyền cũng được điều chỉnh tương ứng xuống còn một phần ba. Nếu tính theo giá khởi điểm, thị giá TCB sau điều chỉnh còn khoảng hơn 40.000 đồng.

Theo bản cáo bạch trước niêm yết, hiện Techcombank chỉ có duy nhất một cổ đông lớn là Tập đoàn Masan, sở hữu 14,99%. Sở hữu của khối ngoại tại Techcombank là 22,5%, tuy nhiên không có cổ đông nước ngoài nào nắm giữ trên 5% trước khi ngân hàng này niêm yết.

Theo đại diện Techcombank, sau khi bán lượng cổ phiếu quỹ mua lại từ HSBC, ngân hàng này không có ý định khóa room khối ngoại để tìm kiếm cổ đông chiến lược.

"Các cổ đông nước ngoài xuất hiện sau đợt chào bán cổ phiếu quỹ đều là những nhà đầu tư lớn trên thế giới, có ý định nắm giữ lâu dài. Vì vậy Techcombank không cần thiết phải tìm kiếm thêm cổ đông lớn", Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết.

Niêm yết trong cảnh thị trường chung đang đi xuống, tuy nhiên ông Trịnh Bằng, Giám đốc tài chính Techcombank cho rằng đây chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. “Sự lên xuống là do thị trường và cổ phiếu cũng do thị trường quyết định, ngân hàng chỉ biết làm tốt nhất để nâng cao giá trị hoạt động”.

Chuyên đề