Cổ phiếu In Trần Phú hút khách nhờ đất vàng

Hoạt động kinh doanh sa sút do cạnh tranh, đấu giá In Trần Phú vẫn thu hút được sự quan tâm lớn nhờ danh mục "đất vàng" đang quản lý.
Hoạt động kinh doanh của In Trần Phú liên tục sa sút trong những năm gần đây, do sức ép từ cạnh tranh.
Hoạt động kinh doanh của In Trần Phú liên tục sa sút trong những năm gần đây, do sức ép từ cạnh tranh.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo kết quả đấu giá của Công ty cổ phần In Trần Phú.

Đã 3 nhà đầu tư, gồm một cá nhân và 2 tổ chức, đấu giá thành công toàn bộ hơn 5,6 triệu cổ phần (20% vốn) của công ty này với giá trung bình 11.900 đồng, cao hơn 100 đồng so với giá khởi điểm. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại In Trần Phú, đã thu về hơn 67,4 tỷ đồng.

Trước phiên đấu giá, đã có 8 nhà đầu tư đăng ký tham gia với khối lượng đặt mua gấp hơn 2 lần chào bán. Trong đó nhà đầu tư đặt mua cao nhất là 4 triệu cổ phần.

Trái với sức hút từ phiên đấu giá mới tổ chức, kết quả kinh doanh của In Trần Phú mấy năm gần đây liên tiếp giảm sút. Doanh thu của công ty từ mức 409 tỷ đồng năm 2015 đã giảm liên tục, chỉ còn hơn 320 tỷ đồng năm 2017. Mức lợi nhuận khiêm tốn gần 9 tỷ đồng, đã giảm xuống mức lỗ gần 28 tỷ đồng trong năm tài chính gần nhất.

Trong bản công bố thông tin, In Trần Phú cho biết cạnh tranh về giá gay gắt, khiến công ty trượt nhiều gói thầu lớn. Một số công ty tư nhân đầu tư máy Heatset cuộn làm gia tăng thêm sức ép cạnh tranh với nhóm sản phẩm truyền thống là lịch block và tờ rơi siêu thị. Quan trọng nhất là các công ty in có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách để gia tăng thị phần ở các sản phẩm tem nhãn hàng hóa, vốn là thế mạnh của In Trần Phú.

Trước đó, báo cáo gửi các cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2017, In Trần Phú cũng cho biết truyền thông mạng, đa phương tiện phát triển dẫn đến thị phần in trên giấy giảm mạnh. Sự cạnh tranh mạnh về giá giữa các nhà in, mà theo ban lãnh đạo công ty này là "chỉ cần việc để làm", khiến hoạt động của In Trần Phú gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sa sút, In Trần Phú vẫn có sức hấp dẫn riêng, đến từ 7 lô đất vàng tại Tp HCM do công ty quản lý và khai thác.

Theo bản công bố thông tin, có 4 khu đất do In Trần Phú thuê đất trả tiền hàng năm gồm 71-73-75 Hai Bà Trưng, Quận 1; 35-37-39 Lý Tự Trọng, Quận 1; 442-444-446 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 và 6A đường số 1, KP2, Quận Thủ Đức. 

Có 2 khu đất thuộc diện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố và triển khai dự án là 31-33 Lê Thánh Tôn, Quận 1 và 6 Thi Sách, Quận 1. Theo công ty, khu đất 31-33 Lê Thánh Tôn đã được quy hoạch để xây dựng công trình Văn phòng - Bãi đậu xe nổi. Trong khi cơ sở đất tại 6 Thi Sách đang xin chuyển mục đích sử dụng đất từ xây dựng nhà xưởng sang làm khách sạn, trung tâm thương mại theo quy hoạch.

Khu đất cuối cùng là 130 - 131 Kha Vạn Cân, Quận Thủ Đức, do In Trần Phú quản lý với mục đích xây dựng cơ sở sản xuất phục vụ di dời.

Trước thoái vốn Nhà nước, cổ đông lớn nhất của In Trần Phú là Công ty Đầu tư BĐS Phú Cường. Phú Cường là cổ đông chiến lược và sở hữu gần 39% của In Trần Phú khi công ty này cổ phần hóa cuối năm 2015. Công ty này cũng được biết đến là một thành viên của BRG Group - Tập đoàn chuyên đầu tư bất động sản, sân golf, khách sạn… do bà Nguyễn Thị Nga là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chuyên đề