Cổ phần hóa, thoái vốn: Biết rằng khó nhưng vẫn chậm

Ở giai đoạn này, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN sẽ tập trung vào "chất" chứ không phải "lượng". Đối tượng ở giai đoạn này là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên tiến độ thực hiện chậm là có lý do, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Nhiều DNNN hoạt động hiệu quả sau thoái vốn, cổ phần hóa. Ảnh: Minh họa. Nguồn Internet.
Nhiều DNNN hoạt động hiệu quả sau thoái vốn, cổ phần hóa. Ảnh: Minh họa. Nguồn Internet.

Thoái vốn lĩnh vực nhạy cảm, thu về gần 36 tỷ đồng

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, đã có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 9 DN là 2.468  tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 564 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 9 đơn vị là 878,5 tỷ đồng. Trong đó nhà nước nắm giữ 412,9 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 347,3 tỷ đồng; bán cho người lao động 14,3 tỷ đồng; tổ chức công đoàn 9,3 tỷ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 94,4 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong 4 tháng đầu năm, các đơn vị đã thoái được 3.101 tỷ đồng, thu về 14.299 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 04 tháng đầu năm 2017).

Trong đó: Thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 35,8 tỷ đồng, thu về 36,3 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 1.712 tỷ đồng, thu về 2.073 tỷ đồng.

Thoái vốn ở SCIC cũng đạt kết quả tích cực. SCIC đã bán vốn tại 16 DN với giá trị là 1.353 tỷ đồng, thu về 12.190 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng.

Về tình hình các DN cổ phần hóa chưa niêm yết, qua rà soát cho thấy, hiện có 578 DN đã cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sốt ruột trước con số này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu phải "điểm mặt chỉ tên" công khai những DN chây ỳ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã vào cuộc và hiện đang tiến hành rà soát để công bố công khai danh sách 578 DN trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Vẫn chậm so với yêu cầu

Theo nhận định của Bộ Tài chính, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các DN nhà nước đã tích cực thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra do các đơn vị đang thực hiện xây dựng lộ trình, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn biết rằng, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị DN, tuy nhiên so với tiến độ và yêu cầu đặt ra vẫn còn chậm.

Việc bàn giao các DN đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm; việc thoái vốn, giảm tỷ lệ vốn nhà nước đầu tư tại các DN theo tiêu chí phân loại DNNN chậm được triển khai. Cũng theo Bộ Tài chính, việc thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh chính và bán hết vốn trong những ngành và lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 02/2/2017 về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DN nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã phân công cụ thể các phần việc theo từng quý cho các bộ, ngành, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, từ việc hoàn thiện cơ chế chính sách cho đến tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu.

Trong nhóm kiến nghị mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN. Riêng đối với vấn đề đất đai khi cổ phần hóa, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quy định theo hướng Quy định bắt buộc các DN thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng; lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thành phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất DN cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng phải đảm bảo đúng với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển DN; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật đất đai năm 2013.

Năm 2016 đã có 56 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 56 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 24.390 tỷ đồng.

Năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng, bao gồm: Thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở DN khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng. Thoái vốn ở SCIC: SCIC đã bán vốn tại 67 DN với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng.

Chuyên đề