Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Lúng túng định giá tài sản vô hình

(BĐT) - Việc xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp nhà nước đã được quy định tại một số văn bản pháp lý song đến nay vẫn gây lúng túng cho nhiều doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa. 
Hướng dẫn về định giá tài sản vô hình, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… được doanh nghiệp cho là chưa rõ ràng. Ảnh: Việt Trung
Hướng dẫn về định giá tài sản vô hình, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… được doanh nghiệp cho là chưa rõ ràng. Ảnh: Việt Trung

Thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung này sẽ được Bộ Tài chính tập hợp và gửi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có hướng dẫn cụ thể hơn trong thời gian tới.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Sau nhiều vụ việc doanh nghiệp nêu vướng mắc, thậm chí sai phạm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với một phần nguyên nhân từ “bỏ sót” hoặc định giá sai giá trị tài sản vô hình, nội dung này đã phần nào được tháo gỡ tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC hướng dẫn thực thi nghị định này. Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn e dè khi áp dụng.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Nghị định 32 đã góp phần gỡ vướng về xác định giá trị tài sản vô hình, song các văn bản hướng dẫn vẫn còn chậm được ban hành và chưa cụ thể hóa các nội dung cần thiết. “Hiện tại, nhiều tập đoàn và tổng công ty đang gặp khó với việc xác định giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Đây lại là yếu tố cần thiết để đưa ra giá trị tối thiểu của cổ phần khi đấu giá. Do đó, các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời để quá trình cổ phần hóa và thoái vốn không bị chậm”, ông Chi nói.

Cùng gặp trở ngại này, một lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Thông tư 59/2018/TT-BTC yêu cầu, khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần để thoái vốn thì phải định giá cổ phần, trong đó, phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài bao gồm cả giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hướng dẫn về định giá các tài sản vô hình nêu trên, đặc biệt là việc định giá các giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… là chưa rõ ràng, rất khó cho quá trình định giá, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thoái vốn. 

Khó thống nhất cách tiếp cận và định giá

Liên quan đến việc xác định giá trị vô hình của doanh nghiệp khi cổ phần hóa, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu rõ: “Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 và các thông tư hướng dẫn được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính toán giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị lịch sử, văn hóa… Trong khi đó, các giá trị này được yêu cầu phải tính vào giá trị doanh nghiệp. Đây là bất cập lớn trong thực tiễn công tác thẩm định giá, dẫn đến các đơn vị tư vấn thẩm định giá khó thống nhất trong tiếp cận, định giá các loại tài sản vô hình này”.

Thông tư 59/2018/TT-BTC quy định:

Đối với giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử (nếu có), thực hiện xác định riêng từng giá trị theo quy định pháp luật thẩm định giá, theo các phương pháp xác định phù hợp.

Trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu để xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì chủ sở hữu vốn chuyển nhượng căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của giá trị đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định tỷ lệ (tối thiểu 1%) trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Về văn bản hướng dẫn, Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 đã có hướng dẫn việc định giá một số tài sản vô hình nhưng được nhìn nhận vẫn còn bất cập và chưa đầy đủ đối với các loại tài sản vô hình. Cụ thể, về nội dung định giá “giá trị văn hóa, lịch sử” của doanh nghiệp, Thông tư 59 hướng dẫn: Khi không đủ hồ sơ, chủ sở hữu căn cứ vào các yếu tố tham khảo để xác định nhưng phải tự chịu trách nhiệm về kết quả định giá. “Rất nhiều công ty tư vấn về thẩm định giá, chứng khoán cho rằng, quy định này trói trách nhiệm các đơn vị tư vấn”, văn bản của Bộ Xây dựng cho biết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về những vấn đề nêu trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp  thuộc Bộ Tài chính cho biết, về giá trị truyền thống lịch sử, trước hết cần xác định được các yếu tố để chứng minh là doanh nghiệp có giá trị này, các yếu tố đó có thể là văn bằng hoặc hiện vật được công nhận.

“Đó được coi là tài sản vô hình. Từ căn cứ đó, bên tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải xác định được và chịu trách nhiệm về việc xác định này. Điều này đã được nêu tại các văn bản quy định nhưng một số doanh nghiệp vẫn còn e ngại. Tới đây, chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến của doanh nghiệp và xin ý kiến Thủ tướng, nếu cần sẽ hướng dẫn cụ thể hơn”, ông Tiến nói.        

Chuyên đề