Cơ hội lớn cho doanh nghiệp từ nền kinh tế số

(BĐT) - Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Internet, điện thoại di động và các công nghệ số khác phát triển với tốc độ nhanh chóng tại các nước đang phát triển được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao dịch vụ công.
Công nghệ số đã làm thay đổi thế giới, cả về kinh doanh, việc làm và hoạt động của chính phủ. Ảnh: NC st
Công nghệ số đã làm thay đổi thế giới, cả về kinh doanh, việc làm và hoạt động của chính phủ. Ảnh: NC st

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đạt được như mong đợi, bởi có tới 60% dân số thế giới vẫn đứng ngoài lề nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão này.

Công nghệ số giúp hạn chế tham nhũng

Ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB cho biết: “Cuộc cách mạng số đang làm thay đổi thế giới, thúc đẩy trao đổi thông tin, và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển nếu họ biết cách tận dụng các cơ hội mới. Hiện nay đã có 40% dân số thế giới kết nối với Internet”.

Theo "Báo cáo Phát triển thế giới 2016: Lợi ích công nghệ số" vừa được WB công bố, hiện nay, nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ nền kinh tế số là nhóm người giàu, có kỹ năng và ảnh hưởng trên thế giới, vì họ có khả năng khai thác lợi thế công nghệ tốt hơn. Công nghệ số có thể giúp nâng cao hiệu suất và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Trên 40% người thuộc độ tuổi trưởng thành tại khu vực Đông Phi trả tiền điện, nước thông qua điện thoại di động. Tại Trung Quốc, 8 triệu doanh nhân, trong đó 1/3 là phụ nữ, thực hiện bán sản phẩm cho các khách hàng trong cả nước và xuất khẩu tới 120 nước khác dựa trên nền tảng thương mại điện tử. Trong vòng 5 năm, Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng công nghệ số cho 1 tỷ người, qua đó, tăng cường tiếp cận và hạn chế tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Trong lĩnh vực y tế công, dịch vụ tin nhắn (SMS) cũng được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân HIV uống thuốc. 

Cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Báo cáo của WB cho biết, dù đã có nhiều câu chuyện thành công, nhưng nhìn chung trên quy mô toàn thế giới, tác động của công nghệ số trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo thêm cơ hội cho nhóm nghèo và nhóm trung lưu và hỗ trợ phát triển một nền quản trị có trách nhiệm vẫn chưa được như mong đợi. Công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng, việc làm và dịch vụ vẫn chưa bắt kịp tốc độ đó. Mặc dù số người sử dụng Internet toàn thế giới đã tăng gấp 3 so với năm 2005, nhưng vẫn còn 4 tỷ người không có Internet. Thực tế, “có tới 60% dân số thế giới vẫn đứng ngoài lề nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão này”, Báo cáo nhận định.

Báo cáo cảnh báo rằng, quốc gia nào đầu tư vào cả hai lĩnh vực công nghệ số và các biện pháp bổ trợ tương tự thì sẽ thu được lợi ích to lớn, còn nước nào không thực hiện như vậy sẽ bị tụt lại phía sau. Công nghệ, nếu không dựa trên một nền tảng vững chắc, sẽ có nguy cơ tạo ra phân hoá kinh tế, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng và nhà nước chuyên quyền. Với tầm quan trọng đó, trong thập kỉ vừa qua, Nhóm WB đã đầu tư tổng cộng 12,6 tỷ USD vào công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).

“Công nghệ số đã làm thay đổi thế giới, cả về kinh doanh, việc làm và chính phủ. Nhưng muốn tận dụng được những lợi ích do công nghệ số mang lại thì các quốc gia cũng phải cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư vào giáo dục và y tế, và thúc đẩy một nền quản trị tốt”, ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB khuyến nghị.

Nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế số trong thời gian tới, WB đưa ra 2 đề xuất hành động. Thứ nhất là cần xoá bỏ khoảng cách công nghệ số thông qua việc đầu tư kết cấu hạ tầng để cung cấp dịch vụ Internet cho toàn dân, với chi phí vừa phải, dịch vụ mở và an toàn. Thứ hai là các quốc gia đang phát triển cần xem xét các chiến lược phát triển công nghệ số rộng hơn, vượt ra khỏi phạm vi công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Muốn đạt được lợi ích tối đa, thì các nước phải tạo được môi trường công nghệ thích hợp, trong đó khuyến khích cạnh tranh giữa các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường; phát triển kỹ năng người lao động đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế số, và xây dựng được các thể chế chịu trách nhiệm trước người dân. Đổi lại, công nghệ số sẽ giúp tăng tốc quá trình phát triển.     

Chuyên đề