CIENCO 5: “Cuộc chơi” dành cho người… hiểu chuyện

Ngày 31/12/2015 sẽ diễn ra đợt đấu giá cổ phần lô 1, số cổ phần trị giá 101,76 tỷ đồng mệnh giá, tương ứng 23,18% vốn điều lệ Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP (CIENCO 5), với giá khởi điểm 10.010 đồng/CP.
CIENCO 5: “Cuộc chơi” dành cho người… hiểu chuyện

Ngày 31/12/2015 sẽ diễn ra đợt đấu giá cổ phần lô 1, số cổ phần trị giá 101,76 tỷ đồng mệnh giá, tương ứng 23,18% vốn điều lệ Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP (CIENCO 5), với giá khởi điểm 10.010 đồng/CP. Dù hiệu quả sinh lời rất thấp, kén NĐT, nhưng CIENCO 5 vẫn có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt với NĐT ưa thích lĩnh vực này.

Kén tiêu chí Nhà đầu tư

Trong phương án thoái 63,18% vốn điều lệ thuộc sở hữu Nhà nước tại CIENCO 5 được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, toàn bộ số cổ phần chào bán sẽ được chia làm 3 lô để thực hiện bán đấu giá trên HOSE. Trong đó, lô 1 có 10,176 triệu cổ phần, tương ứng 23,18% vốn điều lệ; lô 2 và 3 có khối lượng 8,78 triệu cổ phần, tương ứng 20% vốn điều lệ, sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất bán đợt 1. Giá khởi điểm chào bán là 10.010 đồng/cổ phần.

Do bán cổ phần theo lô, nên tiêu chí chọn cổ đông cho CIENCO 5 là hướng đến các NĐT tổ chức, với những điều kiện chặt chẽ.

Theo đó, NĐT tham gia đấu giá phải có vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng trở lên theo Báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 30/6/2015; có kết quả kinh doanh từ năm 2013 đến nay có lãi và không có lỗ lũy kế; có ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện; đầu tư kinh doanh khu đô thị, khu công nghiệp, từng tham gia thực hiện các dự án trong lĩnh vực này có hợp đồng kinh tế từ 500 tỷ đồng trở lên; có năng lực tài chính, có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có, phương án hỗ trợ DN để mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN; chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và sức cạnh tranh của DN.

Ngoài các yêu cầu trên, các NĐT còn phải đáp ứng yêu cầu quan trọng khác, là không phải là cổ đông lớn của các DN khác trong cùng ngành dẫn đến xung đột lợi ích và tạo ra sự độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh với khách hàng, đối tác của công ty mẹ - Tổng công ty.

Số cổ phần mua theo diện lô lớn hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 5 năm kể từ ngày sở hữu.

Từ thị trường, ghi nhận của ĐTCK cho thấy, nhiều ý kiến đặt câu hỏi vì sao đặt tiêu chí 400 tỷ đồng vốn điều lệ và hợp đồng kinh tế trong lĩnh vực có liên quan tối thiểu 500 tỷ đồng, mà không phải là các con số khác? Cũng có quan điểm cho rằng, đây là các quy định nhằm lựa chọn NĐT tối thiểu bằng hoặc mạnh hơn CIENCO 5, tránh tình trạng các NĐT yếu hơn tham gia sở hữu cổ phần. Nếu chọn cổ đông yếu, có thể sẽ không giúp CIENCO 5 bật mạnh sau khi Nhà nước thoái vốn, thậm chí có thể không theo được lộ trình tăng vốn có thể có trong tương lai.

Tuy nhiên, yêu cầu có lãi  năm 2013, 2014 và tiêu chí vốn điều lệ có thể cũng khiến không ít NĐT bị rớt ngay từ vòng nộp hồ sơ, hay quy định liên quan đến đầu tư vào DN cùng ngành nghề, bởi việc một NĐT muốn mở rộng kinh doanh là bình thường và tình trạng lỗ tạm thời dù hoạt động kinh doanh có lãi là điều bình thường, nhất là với quy định về cách hạch toán với các dự án BOT hiện nay. 

Câu hỏi về sức hấp dẫn

Năm 2013, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của CIENCO 5 chỉ đạt 3,1%, sang năm 2014 giảm về 1,2%. Năm 2015, tỷ lệ này dự kiến tăng lên 6,8%, nhưng 6 tháng đầu năm nay mới chỉ hoàn thành 13,36% kế hoạch năm. Những con số này cho thấy, kết quả kinh doanh của CIENCO 5 khá thấp kém. Đặc biệt là bản công bố thông tin của CIENCO 5 không có thông tin về kế hoạch lợi nhuận trong các năm tiếp theo như các DN khác. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn CIENCO 5?

Một dẫn chứng cụ thể cho thấy CIENCO 5 có sức hấp dẫn, nhưng chưa “ló” rõ ràng ra thị trường là vào tháng 6/2015, CTCP Đầu Nam Trí - cổ đông sở hữu 15,5% vốn điều lệ của CIENCO 5 đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép mua lại toàn bộ 63,18% vốn điều lệ.

Thông tin về CIENCO 5 trong bản công bố thông tin khá mờ nhạt, chỉ với danh sách dài các công ty con, công ty liên kết, các DN có vốn đầu tư của CIENCO 5. Với những thông tin này, nếu là một NĐT thông thường, không đam mê đầu tư vào lĩnh vực xây dựng công trình và BOT công trình giao thông, sẽ không quan tâm đến một DN như vậy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong 3 năm gần đây, hoạt động đấu giá tại các DN trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình giao thông luôn “nóng”, đây có lẽ cũng không phải câu chuyện ngoại lệ với CIENCO 5.

Câu chuyện hấp dẫn nhất của CIENCO 5 chính là thương hiệu và danh mục lớn các dự án đã, đang triển khai - điều giúp NĐT dễ dàng hơn trong việc mở rộng đầu tư vào các dự án mới. Ngoài ra, dù không có thông tin về quyền sử dụng các diện tích đất mà CIENCO 5 đang quản lý, thuê trong Bản công bố thông tin, nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng vào khả năng phát triển mảng bất động sản của Công ty sau này.

Dường như CIENCO 5 đang là cuộc chơi của các “ông lớn”, ở đó có thể sẽ không có chỗ dành cho các NĐT không… hiểu chuyện. 

Chuyên đề