Chuyển tư duy “trói” doanh nghiệp bằng phương thức quản lý mới

(BĐT) - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nhấn mạnh quan điểm này tại Tọa đàm Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) “trói” doanh nghiệp diễn ra ngày 18/10, tại Hà Nội.
Tọa đàm Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh, diễn ra ngày 18/10, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thủy
Tọa đàm Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh, diễn ra ngày 18/10, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thủy

Theo ông Hiếu, hiện có rất nhiều ĐKKD có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ đang quyết tâm bãi bỏ những ĐKKD đang đi ngược lại sự thúc đẩy sáng tạo, sự cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, để thúc đẩy kinh cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tọa đàm tập trung bàn về thực trạng việc ban hành các điều kiện kinh doanh trói DN của một số bộ, ngành và thực thể các giải pháp xử lý đang được triển khai tại một số bộ, ngành nổi cộm.

Theo kết quả rà soát các điều kiện kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt  Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), theo Luật Đầu tư có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra còn có 19 hàng hóa và 05 dịch vụ cấm kinh doanh; 7 hàng hóa và 01 dịch vụ hạn chế kinh doanh; có 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước.

Hiện nay, tổng số các ĐKKD tương ứng với 243 ngành nghề là 4.284 yêu cầu, điều kiện. Các ĐKKD  được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm từ Luật (66 văn bản bản), Pháp lệnh (3 văn bản), Nghị định (162 văn bản) và Hiến pháp (6 văn bản). Trong đó, Bộ Công Thương có số điều kiện lớn nhất với 1.152 điều kiện, Bộ Tư Pháp có ít điều kiện nhất (64 điều kiện).

Điều quan ngại nhất được giới kinh tế và doanh nghiệp, nhà đầu tư nhìn nhận là các ĐKKD đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với DN trong việc đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng phải từ bỏ ý định kinh doanh sau khi tìm hiểu quy định về ĐKKD. ĐKKD chính là rào cản làm giảm năng suất, giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nhằm tiếp tục tạo lập môi trường  kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho DN, mới đây, Chính phủ đã giao “chỉ tiêu” cho các bộ, ngành phải đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số ĐKKD trong lĩnh vực mình quản lý gây cản trở, khó khăn cho hoạt động và sự phát triển của  DN. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian gần đây, một số bộ ngành đã có sự chuyển biến khích lệ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để Việt Nam thực sự có được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thì cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, trong đó có vấn đề thay đổi tư duy trong quản lý doanh nghiệp.

Tọa đàm còn có sự tham gia của các khách mời đại diện cho các bộ, ngành như: Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Công Thương; bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Xây dựng; bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Chuyên đề