Chật vật xử lý vướng mắc hợp đồng EPC một số dự án yếu kém

(BĐT) - Đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã xử lý dứt điểm tranh chấp pháp lý với nhà thầu EPC tại Dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ để không phải thanh toán các chi phí lên tới 23 triệu USD. Đây là điểm nổi bật duy nhất đạt được trong quá trình xử lý vướng mắc trong hợp đồng EPC ở một loạt nhà máy, dự án yếu kém thuộc ngành công thương thời gian qua.
Một số thiết bị Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 
đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng (ảnh Internet)
Một số thiết bị Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng (ảnh Internet)

Tại cuộc họp đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và đề xuất việc chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong xử lý vướng mắc hợp đồng EPC. Đây cũng là một trong 17 nhiệm vụ quá hạn của các tập đoàn, tổng công ty trong xử lý tồn tại ở các dự án này.

Cụ thể, đối với PVN, bên cạnh việc xử lý xong tranh chấp thực hiện hợp đồng với liên danh nhà thầu EPC thì Tập đoàn vẫn đang “mắc kẹt” trong giải quyết tranh chấp, quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ 3 vẫn đang trong quá trình giải quyết các phát sinh vướng mắc với nhà thầu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) để thống nhất thanh toán dứt điểm khối lượng công việc mà nhà thầu đã thực hiện.

Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) còn chưa hoàn thiện việc đàm phán và quyết toán gói thầu EPC và quyết toán đối với Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai. Với Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, đại diện Vinachem cho biết, chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) thực hiện quyết toán hợp đồng, cử cán bộ có liên quan sang Việt Nam để cùng chủ đầu tư giải quyết, song Hoàn Cầu không thực hiện.

Tương tự, đến nay, Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng đang chật vật xử lý hợp đồng với nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) do nhà thầu này đã về nước. Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) rất nỗ lực nhưng vẫn chưa giải quyết được điểm mấu chốt của Dự án vì không thể đàm phán với nhà thầu MCC. Ông Phúc cho biết, không đàm phán được với nhà thầu MCC vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm Dự án. Hiện nay, Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.

Theo Thông báo kết luận thanh tra Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên do Thanh tra Chính phủ công bố cuối tháng 2 vừa qua, MCC đã có nhiều sai phạm khi thực hiện hợp đồng EPC dự án này. Cụ thể, Gói thầu EPC Dây chuyền công nghệ luyện kim MCC trúng thầu với giá trúng thầu là 160,9 triệu USD. Sau khi ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC còn ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký kết. Tuy nhiên, trên thực tế, Gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Kết luận nêu rõ: “TISCO đã thanh toán cho MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật không phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD. Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư”.

Trước hàng loạt vướng mắc trong xử lý hợp đồng EPC các dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương, thậm chí đã có ý kiến của phía cơ quan tư pháp cho rằng chủ đầu tư dự án có thể khởi kiện nhà thầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng, thời gian thực hiện việc này không phải là một sớm, một chiều là có được kết quả mà phải tuân thủ nghiêm quy trình pháp lý…

Chuyên đề