Cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp: Không còn đường lùi

(BĐT) - Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành yêu cầu trước ngày 15/8, tất cả các bộ phải hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền các văn bản thực thi phương án cải cách cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp (DN). 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quãng thời gian chưa đầy một tháng này đang tạo nên áp lực rất lớn với các bộ, ngành lâu nay còn chậm trễ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng hồ đếm ngược

Với chỉ đạo trên của Thủ tướng thì thời gian từ nay là rất ngắn cho việc hoàn thiện phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn. Hơn nữa, việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% ĐKKD.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, chỉ đạo đã rõ, nhiệm vụ cũng đã cụ thể. Do vậy, những bộ, ngành nào chậm trễ, do dự không thực hiện chắn chắn bị xử lý nghiêm. Để đáp ứng yêu cầu về tiến độ, các bộ sẽ phải tăng cường nhân lực, làm ngày làm đêm để hoàn thành nhiệm vụ.

Xin được nhắc lại, báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 6/2018, ngoài Bộ Công Thương đã có Nghị định sửa đổi, bổ sung ĐKKD, mới có 2 bộ (Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình Chính phủ dự thảo nghị định. Hầu hết các bộ còn lại đang xây dựng phương án cắt giảm ĐKKD và chuẩn bị dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung ĐKKD.

Tại báo cáo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cảnh báo về sự chậm trễ của 3 đơn vị lớn là: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh cho dù đã có thực hiện rà soát. “Nếu những bộ, ngành này không đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì ít khả năng hoàn thành mục tiêu cắt giảm ĐKKD  trong năm 2018”, Báo cáo nhấn mạnh.

Ngoài ra, kết quả cải cách quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn quá “khiêm tốn” so với yêu cầu. Còn quá nhiều mặt hàng (khoảng 78.000) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; quá nhiều văn bản (gần 400) quản lý chồng chéo, phức tạp, không tiên liệu trước được, chi phí cao, thủ tục rườm rà…, cản trở hoạt động giao dịch thương mại qua biên giới, tiêu tốn thời gian, làm tăng chi phí, tăng rủi ro cho DN.

Cắt giảm thực chất

Không chỉ là vấn đề tiến độ, Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu trình bày rõ phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 1 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.

Theo lãnh đạo CIEM, mặc dù có nhiều cải cách, song hệ thống các quy định về ĐKKD vẫn còn nhiều điểm bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Nhiều ĐKKD đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng DN đăng ký mới, làm nản lòng các DN đang hoạt động. Những quy định về ĐKKD như phải có mặt bằng lớn, cơ sở vật chất và trang thiết bị lớn, đòi hỏi nhiều bằng cấp và kinh nghiệm, đòi hỏi phải kinh doanh theo một phương thức nhất định… có thể là một trong những lý do chính khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh sau một thời gian hoạt động và nhiều nhà đầu tư tiềm năng từ bỏ ý định kinh doanh. Nhiều ĐKKD làm tăng chi phí không cần thiết cho DN, làm giảm giá trị gia tăng DN có thể tạo ra, qua đó làm giảm năng suất và sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế…

Để tạo lập một môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, hiệu quả, Dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cũng nhắc đến yêu cầu cắt giảm ĐKKD nhằm tạo thuận lợi tối đa, bãi bỏ các rào cản không hợp lý, giảm chi phí, giảm rủi ro cho hoạt động đầu tư, kinh doanh như một thông điệp cốt lõi nhằm gia tăng mức độ cạnh tranh của thị trường hàng hóa, dịch vụ. Dự thảo Đề án nhấn mạnh yêu cầu, việc ban hành mới các quy định về ĐKKD phải tuân thủ nguyên tắc “một vào, hai ra”, một ĐKKD mới được ban hành phải đồng thời kèm theo bãi bỏ hai ĐKKD hiện hành. Cùng với đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương không được đề xuất đưa vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các quy định, hoặc ban hành các quy định theo thẩm quyền, mà các quy định đó trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế cạnh tranh thị trường.

Chuyên đề