Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: Còn nhiều thủ tục gây tốn kém

(BĐT) - "Việc giảm chi phí là rất cần thiết để tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tăng đầu tư, phát triển, mở rộng kinh doanh. Chi phí lớn nhất cần giảm là chi phí thủ tục cho doanh nghiệp".
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là ý kiến trao đổi với Báo Đấu thầu của GS. TS. Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính thuộc Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh (IPAG Business School - Pháp), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Lạc quan về khả năng năm 2017 sẽ đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, năm 2018, Chính phủ dự kiến tăng trưởng ở mức 6,5 - 6,7%. Xin ông chia sẻ về những giải pháp thúc tăng trưởng trong thời gian tới?

Ngay sau khi thành lập, Tổ tư vấn kinh tế đã có những trao đổi, đề xuất, kiến nghị gửi lên Thủ tướng liên quan tới vấn đề tăng trưởng. Tổ tư vấn đã thống nhất rằng: Động lực tăng trưởng thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực nhà nước và khai thác tài nguyên. Nền kinh tế phải theo hướng phát triển bền vững, chú trọng đến chất lượng, con số chỉ mang tính tương đối. Ở các quốc gia đã phát triển thì con số tăng trưởng GDP rất là nhỏ so với con số của Việt Nam.

Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng ở đây là gì? Tức là tăng trưởng tiêu tốn bao nhiêu tài nguyên, có dựa trên việc tăng năng suất lao động hay không…? Đó là những vấn đề Thủ tướng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo, điều hành.

Cá nhân tôi thấy năng suất lao động là vấn đề sống còn. Đúng là việc giải quyết vấn đề này cần thời gian, nhưng cũng có những cách làm để nâng cao năng suất lao động ngay. Ví dụ, giao việc theo kết quả, thiết lập các quy trình rõ ràng trong các cơ quan, tổ chức để làm giảm tắc nghẽn, tạo môi trường thông thoáng và tăng thời gian làm việc hiệu quả ở cả phạm vi cá nhân, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp.

Còn một vấn đề là nợ công của Việt Nam khá cao. Tuy nhiên, trên thế giới cũng chưa có chuẩn nào cho rằng nợ công cao thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay phúc lợi xã hội... Do vậy, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là chúng ta sử dụng nguồn vốn đó như thế nào, có hiệu quả không.

Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp: Còn nhiều thủ tục gây tốn kém ảnh 1
GS. TS. Nguyễn Đức Khương
9 tháng đầu năm 2017, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao. Theo ông, nên phấn đấu để đạt mức tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng (21%) hay giữ ổn định?

Như tôi đã trao đổi, chúng ta cố gắng thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% nhưng chú trọng đến chất lượng, không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là yêu cầu cấp thiết Chính phủ đặt ra. Nhưng quan trọng nhất trong thực hiện nhiệm vụ này phải bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, từ đó mới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tại phiên họp của Tổ tư vấn vừa qua, Thủ tướng đã ghi nhận và chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Theo đó, sẽ tập trung đưa nguồn vốn đi vào sản xuất và các ngành có hiệu quả.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kích thích đầu tư, tăng tiêu dùng người dân. Mỗi người dân dù tiêu dùng một khoản tiền nhỏ thôi cũng sẽ giúp cho tăng trưởng. Đó sẽ là chính sách xuyên suốt cho hết năm nay và có thể cho cả năm 2018. 

Một trong những giải pháp quan trọng để kích thích đầu tư sản xuất cũng như tiêu dùng đó là giảm lãi suất. Vậy theo cá nhân ông, làm thế nào để giảm lãi suất cho vay?

Lãi suất cho vay phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ cũng như định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Nếu chúng ta tăng lãi suất thì tín dụng sẽ giảm. Còn nếu nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất thì sẽ kích thích tiêu dùng nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn… Tổ tư vấn vừa qua cũng có đề xuất định hướng giảm nới lỏng tiền tệ. Song song đó là câu chuyện giảm chi tiêu công, đồng thời khuyến khích tiêu dùng nhiều hơn. 

Còn vấn đề giảm chi phí cho DN thì sao, thưa ông?

Tổ tư vấn đã đề xuất một số giải pháp để giảm chi phí cho DN. Tổng thể các giải pháp có rất nhiều chi tiết nhỏ, bao gồm cả chi phí trực tiếp và gián tiếp. Chi phí lớn nhất mà chúng tôi muốn giảm đó là chi phí thủ tục cho DN. Đơn giản hoá thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa thôi. Theo thống kê, DN tốn 30 triệu ngày công và hơn 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm để kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, vẫn còn nhiều thủ tục, điều kiện kinh doanh khác gây tốn kém cho DN. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí DN còn theo hướng giảm lãi suất cho vay.

Việc giảm chi phí là rất cần thiết để tạo cơ hội cho DN tăng đầu tư, phát triển, mở rộng kinh doanh. Bên Pháp, nếu tôi muốn mở DN thì chỉ cần 6 tiếng thôi. Hôm nay làm, mai là có giấy phép như bất kỳ DN nào.       

Chuyên đề