Bỏ tư duy cầm tay chỉ việc trong định giá DNNN

(BĐT) - Một số ý kiến nêu khó khăn trong định giá doanh nghiệp cổ phần hóa do thiếu văn bản hướng dẫn, song đại diện Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động lựa chọn đối tác đủ năng lực, phương pháp, đạo đức cung cấp dịch vụ và các đơn vị tự chịu trách nhiệm về phần việc của mình theo khung khổ pháp lý đã có.
Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp cổ phần hóa cần chọn đối tác đủ năng lực, đạo đức để thực hiện việc xác định giá trị . Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp cổ phần hóa cần chọn đối tác đủ năng lực, đạo đức để thực hiện việc xác định giá trị . Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp chủ động lựa chọn đối tác

Sau hơn 9 tháng thực thi với kỳ vọng tạo cơ chế thuận lợi và minh bạch cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (Nghị định 126) được đánh giá là có những điểm phù hợp hơn với thực tế của quá trình cổ phần hóa hiện nay. Đồng tình với nhận định này song ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, văn bản pháp lý này vẫn còn một số điểm chưa rõ trong việc tính toán giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 31 của Nghị định 126 quy định về giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp nêu rõ: “Đối với một số doanh nghiệp đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có)”. Tuy nhiên, theo ông Thỏa, nội dung này cần được hướng dẫn rõ ràng hơn, vì nếu không có hướng dẫn, mỗi doanh nghiệp có cách hiểu và cách tính khác nhau.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về điều này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nói: “Việc xác định giá trị thương hiệu, truyền thống lịch sử của doanh nghiệp là nghiệp vụ của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xác định giá trị thương hiệu. Có rất nhiều cách để xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp với nhiều kỹ thuật cụ thể. Khi đã nhận cung ứng dịch vụ này thì doanh nghiệp định giá thương hiệu cần hiểu rõ và thực hiện được các kỹ thuật, phương pháp định giá tài sản, định giá doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Tiến, điểm đổi mới của Nghị định 126 là không quy định cứng các phương pháp xác định doanh nghiệp mà chuyển cho các công ty tư vấn lựa chọn, chịu trách nhiệm về phương pháp, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật về giá và thẩm định giá. “Kiên quyết loại bỏ tư duy “cầm tay chỉ việc” để các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, chủ động lựa chọn đối tác đủ năng lực, phương pháp, đạo đức cung cấp dịch vụ”, ông Tiến nhấn mạnh.

Xử lý trách nhiệm theo hợp đồng dịch vụ

Không chỉ nêu khó khăn với việc xác định giá trị thương hiệu doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Thỏa còn cho biết, Nghị định nêu rõ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thẩm định giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là văn bản này chưa phân định rõ trách nhiệm giữa doanh nghiệp thẩm định giá và doanh nghiệp cần định giá để cổ phần hóa.

“Một trong những tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp là phải tính kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính của doanh nghiệp đó trong một vài năm tới. Khi có sai sót từ số liệu do doanh nghiệp cung cấp thì doanh nghiệp thẩm định giá có thể đưa ra kết quả định giá không chuẩn. Do đó, nên quy định rõ là đơn vị cung cấp số liệu về kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính phải chịu trách nhiệm khi có sai sót phát sinh”, ông Thỏa nói.

Trả lời về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định: “Đó là điều cần được quy định tại hợp đồng dịch vụ giữa công ty thẩm định giá với công ty cần định giá và ràng buộc trách nhiệm hai bên. Khi có phát sinh sai phạm thì việc xử lý trách nhiệm sẽ căn cứ theo hợp đồng này. Nghị định quy định nguyên tắc chung về công tác tư vấn cổ phần hoá theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và đề cao yêu cầu chất lượng dịch vụ, tư cách đạo đức nghề nghiệp của tư vấn viên. Nội dung vướng mắc nêu trên là quyền, trách nhiệm giữa tư vấn với doanh nghiệp - quan hệ dân sự khi thương thảo ký hợp đồng dịch vụ, do đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định”.

Bên cạnh những vướng mắc nêu trên, Bộ Tài chính đã và đang nhận được các kiến nghị xử lý vướng mắc của các doanh nghiệp. Đa phần các ý kiến hỏi lại cho rõ nội dung đổi mới tại các quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Cũng có những vướng mắc phát sinh chưa có quy định như: giá trị quyền phát triển dự án đối với các doanh nghiệp kinh doanh dự án bất động sản; phân tách tài sản hoạt động kinh doanh và tài sản hoạt động dịch vụ công cộng tại các công ty cấp nước tại địa phương khi cổ phần hóa... Về cơ bản các kiến nghị đều được Bộ Tài chính hướng dẫn, tháo gỡ hoặc tham mưu để đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định”, ông Tiến cho biết.

Chuyên đề