Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao FPT đầu tư nghiêm túc, lâu dài cho phát triển và ứng dụng công nghệ y tế

(BĐT) - Ngày 16/8 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT về việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế giai đoạn 2018-2028. Tham dự lễ ký kết, có: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện Lãnh đạo Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Viện Chiến lược và Chính sách y tế; Một số bệnh viện, Sở Y tế,  Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc và một số đơn vị thành viên.
Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao FPT đầu tư nghiêm túc, lâu dài cho phát triển và ứng dụng công nghệ y tế

Điểm nhấn quan trọng của thỏa thuận hợp tác này là Bộ Y tế và FPT sẽ cùng phối hợp để xây dựng mô hình Chăm sóc sức khỏe thông minh, Bệnh viện thông minh, Quản trị y tế thông minh . Đây là 3 lĩnh vực quan trọng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, 2 bên sẽ phối hợp để xây dựng kiến trúc y tế điện tử, tài liệu chuyên môn hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế; Triển khai các quy định về y tế điện tử cho các đơn vị trong ngành y tế; Đào tạo, nghiên cứu phát triển về y tế điện tử; Đào tạo về vận hành trung tâm dữ liệu; Xây dựng các chuẩn công nghệ thông tin y tế.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao FPT về sự đầu tư nghiệm túc, lâu dài về công nghệ và giải pháp với hơn 20 năm kinh nghiệm xây dựng ứng dụng CNTT cho hơn 200 bệnh viện ở cả Trung ương và địa phương. Bộ trưởng  nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ cần hướng đến việc đem lại sự hài lòng cho người dân và các y bác sĩ trong quá trình sử dụng. Phần mềm bệnh viện thông minh cần đáp ứng được các yêu cầu là thủ tục đơn giản, giảm thời gian chờ đợi, công khai minh bạch. Đồng thời phần mềm bệnh viện thông minh phải đáp ứng được tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đối với phần mềm Chăm sóc sức khỏe thông minh (ứng dụng tại các trạm y tế xã/phường gắn với mô hình bác sĩ gia đình), cần làm theo nguyên tắc đơn giản, dễ làm, dễ tiếp cận, phổ cập, hiệu quả từ đó mang lại sự hài lòng cho người dân… Bộ trưởng đề nghị tập đoàn FPT có thể nhanh chóng bắt tay vào triển khai xây dựng mô hình y tế thông minh. Bộ trưởng cũng tin tưởng rằng thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Y tế và FPT với những nội dung đề cập ở trên sẽ giúp Bộ Y tế giải quyết được những bài toán lớn về ứng dụng CNTT y tế với phạm vi quy mô quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh, trong lịch sử hơn 20 năm hợp tác với ngành y tế, FPT đã có hàng trăm chuyên gia công nghệ chuyên sâu về nghiệp vụ ngành Y và triển khai hệ thống công nghệ tại hơn 200 bệnh viện, cơ sở y tế. Là công ty tiên phong trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ mới nhất, cộng với sự hiểu biết sâu sắc về các nghiệp vụ ngành y, FPT cam kết sẽ đồng hành cùng với Bộ Y tế đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới sẵn sàng cho sự thành công của ngành y trong cuộc cách mạng 4.0.

Tại Việt Nam, FPT là doanh nghiệp CNTT hàng đầu và đã triển khai hầu hết các hệ thống CNTT cho các ngành, lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, tài chính, y tế, giao thông, bảo hiểm… Trong lĩnh vực y tế, FPT đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các hệ thống CNTT cho ngành y như phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital, các giải pháp về Bệnh án điện tử, Bệnh viện không giấy tờ, hồ sơ y tế cá nhân, các giải pháp y tế cộng đồng, y tế thông minh trên toàn quốc.... Phần mềm FPT.eHospital được FPT xây dựng từ năm 2000 đến nay đã được ứng dụng thành công tại trên 200 cơ sở y tế trên toàn quốc, từ các bệnh viện lớn khối công lập đến các bệnh viện tư nhân, quốc tế. Từ bệnh viện Đa Khoa đến các bệnh viện Chuyên khoa… Đặc biệt một số tỉnh/thành phố như Đồng Nai, Long An đã ứng dụng FPT.eHospital trong toàn ngành bao gồm ứng dụng về Quản lý ngành, Dự phòng cho tới tất cả các bệnh viện trên toàn tỉnh.

 Mới đây FPT đã cho ra mắt Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện thông minh FPT.eHospital phiên bản mới có khả năng vận hành nhiều bệnh viện; cho phép tùy biến quy trình tác nghiệp; triển khai linh hoạt nhiều giai đoạn phù hợp với khả năng đầu tư của từng bệnh viện; phù hợp với mô hình cho thuê dịch vụ CNTT; quản lý bệnh viện thông minh với nhiều tính năng được ứng dụng công nghệ 4.0…

Với các bệnh viện, việc ứng dụng giải pháp FPT.eHospital của FPT đã giúp nâng cao hiệu suất khám chữa bệnh, giúp lãnh đạo bệnh viện quản lý toàn bộ hoạt động với các số liệu trực tuyến theo thời gian thực, tích hợp chữ ký số, bệnh án điện tử… hướng đến xây dựng bệnh viện không giấy tờ; tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh theo hướng nhanh – gọn – chính xác, giảm thời gian/khối lượng công việc thủ tục hành chính; nâng cao công suất, hiệu suất bệnh viện; Quản lý chặt chẽ tài chính, chống thất thoát, tăng thu, giảm chi... . Đơn cử như, tại Bệnh viện Bạch Mai: bệnh viện hỗ trợ tiếp đón thành công khối lượng bệnh nhân lớn (có thời điểm lên tới 9000 bệnh nhân/ ngày, gấp nhiều lần 1 bệnh viện cấp tỉnh). Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh sau khi sử dụng phần mềm tăng 15-20%. Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 15s giây đến 1 phút cho thủ tục đăng ký. Hay tại bệnh viện Nhi Trung ương: việc ứng dụng phần mềm giúp BV mỗi ngày tiếp đón khoảng 3600 bệnh nhân, tăng 20% so với trước đây. Thời gian cho phần đăng ký của mỗi bệnh nhân dịch vụ chưa đến 15s. Ở Bệnh viện Đa khoa TP Vinh, thay vì chỉ đón tiếp được khoảng 300-500 người mỗi ngày, đến nay bệnh viện đã có thể tiếp đón từ 1600-1800 bệnh nhân chỉ trong vòng 2 tiếng.

Với các bác sĩ, FPT.eHospital hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa; Giảm rủi ro, sai sót thông qua việc cảnh báo tương tác thuốc, sự trùng lặp của trong các toa thuốc; Trợ lý ảo, chatbot thông minh hỗ trợ công việc hàng ngày như tìm kiếm bệnh nhân, mở sổ khám bệnh… Thời gian ra toa thuốc mỗi bệnh nhân là 2 phút thay vì 5 phút, với toa thuốc được in rõ ràng hơn. Bác sĩ có thể xem kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh ngay lập tức tại các khoa phòng khám

Với bệnh nhân, FPT.eHospital giúp bệnh nhân giảm thời gian đăng ký khám chữa bệnh (trung bình từ 4 phút xuống dưới 1 phút, đặc biệt với bệnh nhân đã từng khám tại bệnh viện thì thời gian tiếp nhận chỉ còn 15 giây); tương tác với bệnh viện qua điện thoại hoặc cổng thông tin như: đặt lịch hẹn, xem hồ sơ y tế cá nhân, thanh toán viện phí trực tuyến, trợ ý ảo nhắc lịch, tìm kiếm thông tin qua chatbot …

Chuyên đề