Bất động sản khó khăn, TCT 36 trông vào thầu xây dựng

(BĐT) - Sau cổ phần hóa vào giữa 2016, Tổng công ty 36 (TCT 36, mã chứng khoán G36) đã được sở hữu bởi các ông chủ tư nhân. Dù vậy, với thương hiệu sẵn có, TCT 36 vẫn là nhà thầu được lựa chọn tại nhiều dự án sử dụng ngân sách nhà nước. 

Trong khi các dự án bất động sản (BĐS) của Công ty nhiều khả năng chưa thể bàn giao cho khách hàng, các hợp đồng xây dựng có lẽ sẽ là nguồn thu chủ đạo để duy trì sự tăng trưởng của TCT 36 trong năm nay.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Liên tiếp trúng thầu từ đầu năm

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2019, TCT 36 đã trúng 12 gói thầu trong cả vai trò liên danh và độc lập với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.

Mới đây, TCT 36 đã được lựa chọn để thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Trụ sở làm việc của chi nhánh kiêm kho tiền khu vực của Trung ương tại tỉnh Nghệ An. Giá trúng là 81,2 tỷ đồng, giảm giá 0,7% so với giá gói thầu.

Còn trong vai trò liên danh, chỉ trong tháng 4/2019, TCT 36 cùng với các đối tác đã trúng hai gói thầu lớn thuộc Dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (Hợp phần 1) của Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An (NAPMU). Cụ thể là Gói thầu KC2 Kênh chính và công trình trên kênh đoạn từ K12+000-K32+065 với giá trúng 267,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,07%. Đồng hành cùng TCT 36 tại gói thầu này còn có Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và TCT Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam. Tại Gói thầu KC3 Kênh chính và công trình trên kênh đoạn từ K32+065-KF, TCT 36 đã bắt tay với Công ty TNHH Hưng Thịnh, TCT Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Hồng Đào. Giá trúng thầu là 295 tỷ đồng, giảm giá 0,5% so với giá gói thầu.

Trong khi các dự án BĐS như B6 Giảng Võ, Khu nhà tái định cư 678 Xuân La hay Dự án 6,8 Chùa Bộc nhiều khả năng chưa thể bàn giao cho khách hàng, các hợp đồng xây dựng sẽ là nguồn thu chủ đạo để duy trì sự tăng trưởng của TCT 36 trong năm nay.

Ai đang sở hữu “thương hiệu 36”?

TCT 36 tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp 36 trực thuộc Bộ Quốc phòng, thành lập năm 1996. Đây là một nhà thầu đa năng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Sau nhiều năm tạo dựng được thương hiệu dưới sự lãnh đạo của doanh nhân, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, vào tháng 4/2016,  TCT 36 đã tổ chức phiên đấu giá 10% cổ phần ra công chúng với giá đấu thành công bình quân 15.102 đồng/CP.

Bên cạnh đó, TCT 36 cũng đã bán ra 42,21% vốn điều lệ cho 2 cổ đông chiến lược là Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc (32,9% vốn) và Công ty CP Vận tải và Thương mại Anh Quân (9,3% vốn). Giá bán cho hai nhà đầu tư chiến lược là 10.000 đồng/CP.

Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thành lập vào năm 2003, với các cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Hiền (em trai ông Giáp) nắm giữ 87% và vợ là Hà Thanh Vân 8,752%.

Còn Công ty Vận tải và Thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008 bởi ông Nguyễn Đăng Ngọ (em trai ông Giáp), người nắm giữ 38,5%; số cổ phần còn lại thuộc về Phạm Thị Thu Hiền và Nguyễn Thúc Kiều.

Như vậy, sau đợt bán vốn này, Bộ Quốc phòng nắm giữ 40% vốn điều lệ của TCT 36; Trường Lộc nắm giữ 32,91%; Anh Quân 9,3% và Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện 9,87%.

Đầu tháng 6/2017, TCT 36 quyết định phát hành 57 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 936 tỷ đồng.

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, trong đợt phát hành này, ông Nguyễn Đăng Giáp đăng ký mua vào 15,1 triệu quyền mua, mua thành công 9,3 triệu quyền mua, qua đó sở hữu 12,3 triệu cổ phần G36.

Ông Nguyễn Văn Hiền (em trai ông Giáp) cũng mua thành công 7,25 triệu quyền mua để nắm quyền sở hữu 9,6 triệu cổ phiếu G36.

Những người thân còn lại của ông Giáp là Nguyễn Đăng Trung cũng nắm giữ 4 triệu cổ phần G36; các ông Nguyễn Đăng Thuận, Nguyễn Đăng Hiếu và Nguyễn Đăng Hùng sở hữu  khoảng 2,8 triệu cổ phần G36.

Tính sơ qua thì ông Nguyễn Đăng Giáp cùng các cá nhân, pháp nhân liên quan sở hữu khoảng 58% vốn điều lệ của TCT 36.

Chuyên đề