Ba doanh nghiệp của Vinachem vẫn lỗ hơn 1.500 tỷ đồng

Đó là Công ty DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 246 tỷ đồng, đã giảm lỗ 54%; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng, tương ứng giảm 44%; Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng, tương đương mức lỗ năm 2017.
Ba doanh nghiệp của Vinachem vẫn lỗ hơn 1.500 tỷ đồng

Ngày 12/1, báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Vinachem cho biết, mặc dù số lỗ đã giảm so với năm 2017, nhưng vẫn có 3 đơn vị tiếp tục thua lỗ với hơn 1.500 tỷ đồng.

Đó là Công ty DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 246 tỷ đồng, đã giảm lỗ 54%; Đạm Hà Bắc lỗ 340 tỷ đồng, tương ứng giảm 44%; Đạm Ninh Bình lỗ 926 tỷ đồng, tương đương mức lỗ năm 2017.

Trong số 4 đơn vị gặp khó khăn (theo Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương"), chỉ có DAP-Vinachem (Hải Phòng) đạt lợi nhuận 196 tỷ đồng, tăng lãi 182 tỷ đồng.

Nhờ đó, mức lỗ của 4 đơn vị này ước còn hơn 1.300 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 742 tỷ đồng, tương ứng giảm lỗ 36% so với năm 2017.

Theo ông Bùi Thế Chuyên, mặc dù các đơn vị tiếp tục gặp khó khăn, song lợi nhuận toàn Tập đoàn ước lãi 609 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với kế hoạch năm, nhưng tăng 446 tỷ đồng và gấp 3,7 lần so với năm 2017.

Ông Chuyên cho rằng, số lỗ của 3 doanh nghiệp trên đã giảm mạnh so với năm 2017. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu như: các sản phẩm phân bón DAP, NPK, Supe lân..., và tăng chi phí lãi vay đối với các đơn vị có vay vốn bằng USD.

Ngoài ra, 4 đơn vị sản xuất phân bón tiếp tục gặp khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động cao hơn mặt bằng thị trường từ 1-2,5%; tình trạng gian lận thương mại đối với hàng nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp và làm giảm sản lượng tiêu thụ phân bón của Tập đoàn...

“Trong năm 2019, đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, Tập đoàn sẽ giám sát, kiểm tra đặc biệt và yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể; nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm,” ông Chuyên nói.

Đặc biệt, Vinachem sẽ đôn đốc hoàn thành quyết toán đối với 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2; đồng thời tiếp tục tăng cường chỉ đạo sát sao những dự án này.

Để giải quyết khó khăn cho 3 doanh nghiệp thua lỗ, Vinachem kiến nghị, đối với các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các Ngân hàng thương mại, cần có các giải pháp kéo dài thời hạn vay, giảm lãi suất tiền vay, không tính lãi quá hạn...

Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận cho phép các doanh nghiệp cơ cấu lại hạn trả nợ, có mức lãi suất ưu đãi và đặc biệt tiếp tục cho vay vốn lưu động, giải ngân vốn lưu động đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh...

Báo cáo của Vinachem cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn năm 2018 đạt hơn 45.500 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 47.900 tỷ đồng, bằng 99,3% kế hoạch năm, tăng 5,6% so với năm 2017.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 582 triệu USD, đạt 97,4% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách đạt 1.768 tỷ đồng, tăng 11% so với kế hoạch.

Năm 2019, Vinachem phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 50.300 tỷ đồng, tăng 10,6%; doanh thu đạt hơn 51.500 tỷ đồng, tăng 7,6%; lợi nhuận đạt 1.168 tỷ đồng, tăng 92%...

Chuyên đề