Air Mekong vướng nợ hàng chục tỷ sau 5 năm ngừng bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ghi nhận khoản phải thu 26 tỷ đồng từ Air Mekong là nợ xấu từ năm 2016. 
Thời còn hoạt động, Air Mekong sử dụng tàu bay Bombardier CRJ-900 do Canada sản xuất.
Thời còn hoạt động, Air Mekong sử dụng tàu bay Bombardier CRJ-900 do Canada sản xuất.

Báo cáo tài chính của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc khó có khả năng thu hồi tính đến cuối quý II/2018 là 30 tỷ đồng.

Khoản phải thu từ Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông - Air Mekong chiếm phần lớn trong số này với gần 26 tỷ đồng. Đây là khoản phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất hạ cánh, bãi đỗ và được ACV trích lập dự phòng toàn bộ.

ACV lần đầu ghi nhận khoản phải thu này thành nợ xấu từ năm 2016, tức ba năm sau ngày hãng hàng không “sếu đầu đỏ” tuyên bố ngừng cất cánh để tái cơ cấu đội tàu bay. Giá trị khoản nợ này đến nay vẫn không thay đổi. 

Ngoài Air Mekong, doanh nghiệp điều hành hàng chục sân bay tại Việt Nam còn có 15 khoản nợ xấu từ một số hãng bay quốc tế và một số công ty dịch vụ, phục vụ hoạt động hàng không.

Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông được thành lập với vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Đây là hãng hàng không tư nhân thứ ba được cấp phép tại Việt Nam, sau Indochina Airlines và Vietjet Air. Chuyến bay đầu tiên cất cánh vào tháng 10/2010, tập trung khai thác các đường bay từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến Phú Quốc, Đà Lạt.

Tháng 3/2013, hãng ngừng bay do hoạt động liên tục gặp khó khăn dù trước đó công bố thông tin hệ số khai thác ghế vẫn lên đến 82% và đã chiếm hơn 6% thị phần nội địa.

Air Mekong từng thông tin kế hoạch bay trở lại vào đầu năm 2015, nhưng sau đó không thực hiện. Cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải rút giấy phép khai tàu bay đối với hãng.

Trao đổi với VnExpress, đại diện của Air Mekong cho biết hãng đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý để giải thể.

Chuyên đề