19 doanh nghiệp nhà nước có thể về “siêu Ủy ban”: Thách thức từ DN yếu kém

(BĐT) - Theo dự thảo lần hai Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, số tập đoàn, tổng công ty chuyển về cơ quan này quản lý là 19 thay vì con sô 21 như dự kiến trước đây. 
Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn làm ăn không hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm

Trong số này vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đây sẽ là những thách thức mới cho “siêu Ủy ban”.

“Quản” 1,5 triệu tỷ đồng

Trong dự thảo lần hai này, đáng chú ý nhất trong số 19 đơn vị trong diện quản lý của Ủy ban là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC vẫn tiếp tục là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh. Hai doanh nghiệp là Tổng công ty Viễn thông VTC và Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã được “nhấc” ra khỏi danh sách chịu sự quản lý của "siêu Ủy ban".

18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể, có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Ước tính, tổng số tài sản mà “siêu Ủy ban” sẽ quản lý lên tới 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu nhà nước. 

“Ông lớn” làm ăn bết bát

Trong số 19 “ông lớn” nêu trên, nhiều doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh khởi sắc như trường hợp của ACV với doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7.937 tỷ đồng, lãi ròng đạt 3.089 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 80% so với cùng kỳ năm trước. Hay với Petrolimex, lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp này đạt 96.757 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 là 2.278 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, vẫn còn không ít “ông lớn” làm ăn bết bát. Đơn cử như trường hợp của Vinachem với khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2017 gần 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó là hàng loạt dự án thua lỗ, gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem và các khoản nợ vay hơn 25.000 tỷ đồng.

Hay như trường hợp của Vinalines với khoản lỗ lũy kế lên tới 3.253 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017. Với vốn điều lệ hơn 11.655 tỷ đồng nhưng do kinh doanh không hiệu quả, vốn chủ sở hữu của Vinalines đến thời điểm cuối năm 2017 chỉ còn hơn 7.968 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của Vinalines trong 2 năm 2016 và 2017 cũng không có lãi.

Một doanh nghiệp kinh doanh vẫn có lãi nhưng lại không thực sự hiệu quả là VNR. Hiệu quả kinh doanh đì đẹt được thể hiện khá rõ tại Công ty mẹ, khi trong năm 2017, mức lợi nhuận đúng bằng năm 2016 (145 tỷ đồng), đẩy tỷ suất lợi nhuận/doanh thu xuống ở mức 5,6%. Được biết, điểm sáng duy nhất của Công ty mẹ VNR là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất thấp (0,43 lần so với chuẩn chung là 3 lần). Tuy nhiên, việc không cần đến các khoản tín dụng không phản ánh việc VNR dư thừa tiềm lực tài chính, mà chủ yếu là không có nhiều dự án đầu tư có tính khả thi cao được triển khai.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp yếu kém là thách thức không nhỏ đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chuyên đề