Yêu cầu sớm ban hành Luật về PPP

(BĐT) - Chính phủ vừa có báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Trong báo cáo này, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh tới việc cần sớm có một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh hình thức đầu tư quan trọng này.
Hoạt động đầu tư theo hình thức PPP góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động đầu tư theo hình thức PPP góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.251 tỷ đồng để đầu tư 58 dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 50 dự án BOT với tổng mức đầu tư 130.944 tỷ đồng, toàn bộ là lĩnh vực đường bộ. Đang triển khai đầu tư 25 dự án BOT với tổng mức đầu tư 78.403 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 23 dự án BOT với tổng mức đầu tư 77.043 tỷ đồng. Chất lượng hạ tầng giao thông tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như một số công trình sau khi đưa vào khai thác có khiếm khuyết về chất lượng như hằn lún vệt bánh xe, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác; một số dự án do tính chất cấp bách, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện trình tự thủ tục đầu tư chưa thực sự chặt chẽ. Còn có ý kiến cho rằng việc quản lý nguồn thu của các trạm thu phí chưa hiệu quả, có hiện tượng gian lận trong thu phí; chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế, mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài;…

Một trong những trở ngại lớn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, theo báo cáo của Chính phủ là do quy định về hình thức PPP mới dừng lại ở mức nghị định, trong khi điều chỉnh lĩnh vực phụ thuộc vào nhiều luật nên tính ổn định của chính sách không cao.

Một trở ngại khác là hiện nay trần nợ công của Việt Nam đang ở mức cao nên Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh. Đồng thời, các cơ chế, chính sách chia sẻ rủi ro của Chính phủ đối với bảo đảm doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ,… chưa sẵn có, trong khi chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao nên không hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Khung pháp lý chưa đủ mạnh

Cũng trong Báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục ưu tiên và sửa đổi các cơ chế, chính sách để bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, đặc biệt là các dự án quan trọng. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công khó khăn, đối với các công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, kiến nghị Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đầu tư do Chính phủ trình.
Theo báo cáo của Chính phủ, các quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là cơ sở pháp lý đầu tiên về PPP trong phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Chính phủ đã rất tích cực trong việc cải cách các cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư PPP (trong đó có hình thức hợp đồng BOT), từng bước hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, khắc phục hạn chế của các quy định trước đây.

Chính phủ đánh giá, môi trường pháp lý về đầu tư PPP đã được cải thiện trong thời gian qua, tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư. Hoạt động đầu tư theo hình thức này đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng và đang trở thành một trong những mô hình đầu tư có hiệu quả trên thế giới.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý về PPP vẫn còn phụ thuộc nhiều luật chuyên ngành trong suốt vòng đời 1 dự án PPP từ bước chuẩn bị đến triển khai đầu tư và vận hành, khai thác dự án, trong khi những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân là chủ yếu. Mặc dù Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP ra đời nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các luật cũng đang có chồng chéo, chưa xét đến đặc thù của hình thức PPP.

Từ thực tiễn triển khai hơn 6 năm qua, Chính phủ xác định trong thời gian tới giải pháp quan trọng là tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức PPP có tính đến đặc thù của hình thức này, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; đặc biệt, nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế chính sách điều chỉnh các khoảng trống pháp lý hiện nay, đặc biệt là chính sách bảo đảm đầu tư, hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án như tỷ giá hối đoái, điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hoặc cơ chế chính sách ảnh hưởng đến doanh thu, phương án tài chính của dự án.

Chính phủ nhấn mạnh tới việc sớm xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật về đầu tư PPP, coi đây như là giải pháp chính sách quan trọng để nâng cao hiệu quả của hình thức đầu tư này trong thời gian tới, để đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên: nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng và các ngân hàng tài trợ vốn.

Chuyên đề