Xử nghiêm vi phạm làm chậm giải ngân vốn đầu tư công

(BĐT) - Các số liệu về vốn đầu tư công thực hiện, giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho thấy tình hình thực hiện, giải ngân nguồn vốn này 4 tháng đầu năm 2019 tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đã đề ra. 
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân thanh toán 4 tháng năm 2019 nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân thanh toán 4 tháng năm 2019 nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Đáng nói, cùng một mặt bằng pháp luật, nhưng có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ giải ngân giữa nhiều bộ, ngành, địa phương.

Cùng chính sách, nhưng tỷ lệ giải ngân chênh đến trên 30%

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước giải ngân thanh toán 4 tháng năm 2019 nguồn vốn đầu tư công là 68.548,497 tỷ đồng, đạt 16,45% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,67% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2018 đạt 16,27% kế hoạch Quốc hội giao và 16,93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Bộ Tài chính đánh giá, số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, song vẫn chưa đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ.

Còn số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cho thấy, tính chung 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 73.400 tỷ đồng, bằng 21,3% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm từ 2016 - 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,8%, cùng kỳ năm 2017 tăng 4,4%, cùng kỳ năm 2016 tăng 11,7%).

Cả báo cáo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đều cho thấy trên cùng một mặt bằng pháp luật chung nhưng có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ vốn đầu tư công thực hiện, giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương trong 4 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, bên cạnh các bộ, ngành, địa phương có số giải ngân đạt trên 30% kế hoạch vốn được giao, thậm chí nhiều nơi trên 40%, thì vẫn còn có 33 bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%. Đặc biệt, có 11 bộ, ngành qua 4 tháng vẫn gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn.

Tổng cục Thống kê thì cho biết, 4 tháng vốn Trung ương quản lý đạt 9.000 tỷ đồng, bằng 19,5% kế hoạch năm và giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, vốn địa phương quản lý đạt 64.400 tỷ đồng, bằng 21,6% kế hoạch năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm

Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm nay chậm, Bộ Tài chính cho biết có nguyên nhân chậm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn. Đối với nguồn vốn trong nước, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1, theo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phân bổ trước 30/1/2019. Tuy nhiên đến hết tháng 2, các bộ, ngành trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và nhập dự toán trên hệ thống Tabmis nên việc triển khai thanh toán chậm.

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ của Kho bạc Nhà nước (KBNN), tính đến hết tháng 3/2019 vẫn còn nhiều dự án khởi công mới đã phân bổ kế hoạch năm 2019 nhưng chủ đầu tư chưa đến KBNN giao dịch. Đặc biệt, các bộ, ngành trung ương có khoảng 416 dự án chuyển tiếp được phân bổ kế hoạch vốn năm 2019 với kế hoạch vốn là 11.199 tỷ đồng nhưng chưa đến thanh toán.

Các nguyên nhân cũ cũng được nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra như vướng mắc giải phóng mặt bằng; thời điểm đầu năm chủ đầu tư đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để giải ngân…

Không để lãng phí nguồn lực, chủ trì cuộc họp về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, sớm khởi công dự án; chủ động tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các bộ, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn…

Chuyên đề