Xác định phương án đầu tư cao tốc Bắc – Nam

(BĐT) - Sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55 nghìn tỷ đồng để thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ngày 11/4, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã lên phương án đầu tư cụ thể, trong đó đã làm rõ thêm hình thức đầu tư, phương án hoàn vốn.
Bộ GTVT tiếp tục đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để thực hiện nhanh Dự án Cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Lê Tiên
Bộ GTVT tiếp tục đề xuất nhiều cơ chế đặc thù để thực hiện nhanh Dự án Cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Lê Tiên

Đề xuất phương án đầu tư hơn 140 nghìn tỷ đồng

Trước đó, vào tháng 3, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó đề xuất phương án Nhà nước hỗ trợ 41.414 tỷ đồng để đầu tư 467 km. Sau đó, với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu có được 2.000 km đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện theo phương án cao hơn, Nhà nước sẽ hỗ trợ 55 nghìn tỷ đồng.

Với nguồn hỗ trợ này, Bộ GTVT đã trình phương án đầu tư tuyến đường này theo hướng giải phóng mặt bằng toàn tuyến; đến năm 2020, thực hiện đầu tư với chiều dài khoảng 684 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) theo hình thức hợp đồng BT; đoạn Cam Lâm (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai), Bộ GTVT chưa đưa ra hình thức hợp đồng đầu tư. Giai đoạn 2025 - 2028, cần đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Khánh Hòa với quy mô 4 làn xe, chiều dài khoảng 688 km để nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Theo phương án này, dự kiến tổng mức đầu tư (TMĐT) các dự án đến năm 2020 với 684 km vào khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 55 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn BT trả bằng ngân sách đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn La Sơn - Túy Loan khoảng hơn 23,5 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 61,5 nghìn tỷ đồng.

Dù lựa chọn phương án trên, nhưng Bộ GTVT cũng đưa ra thêm 2 phương án để Chính phủ quyết định, gồm phương án cao thực hiện khoảng 1.015 km, TMĐT 193.735 tỷ đồng và phương án thực hiện khoảng 467 km, TMĐT khoảng 102.837 tỷ đồng.

Với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải phóng mặt bằng toàn tuyến, Bộ GTVT ước tính chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 27.422 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định và trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ đề xuất một số phương án hoàn thiện thủ tục nhanh nhất để kịp trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp đầu tiên năm 2017 (dự kiến vào tháng 5/2017). 

Cơ chế đặc thù

Để thực hiện nhanh Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, trong báo cáo ngày 11/4, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Dự án. Trong đó, Bộ đề xuất cho phép áp dụng chỉ định thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra TMĐT và dự toán xây dựng công trình.

Sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, cho phép cắm cọc và tiến hành giải phóng mặt bằng song song với việc thiết kế kỹ thuật và lựa chọn nhà đầu tư, thay vì quy định hiện hành dự kiến cần khoảng 1 năm sau khi phê duyệt dự án.

Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội chấp thuận để Chính phủ được cung cấp các bảo lãnh riêng cho Dự án, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3 đối với trách nhiệm của Chính phủ. Nếu thu xếp được nguồn vốn tín dụng trong nước, cho phép áp dụng thí điểm 1 dự án để làm cơ cở đánh giá tác động của chính sách. Cho phép quy định trong hợp đồng dự án tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp với tiến độ triển khai dự án như Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, không áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp. Chấp thuận xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm; mức lợi nhuận chính thức được xác định qua đấu thầu. Cho phép quy định trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu liên danh có tối đa không quá 4 nhà đầu tư.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định giá gói thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Giá trị vốn đầu tư trúng thầu sẽ là chi phí vốn đầu tư được quyết toán và xác định thời gian hoàn vốn đầu tư.

Để gắn trách nhiệm của nhà đầu tư với chất lượng công trình, tránh việc chuyển nhượng ngay sau khi đấu thầu, Bộ GTVT kiến nghị, nhà đầu tư chỉ được chuyển nhượng cổ phần trong doanh nghiệp dự án sau khi công trình hoàn thành được nghiệm thu, đưa vào khai thác.

Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án. Đối với trạm dừng nghỉ, không tính vào Dự án chi phí đầu tư, không xét đến doanh thu trong phương án tài chính; nhà đầu tư được kinh doanh, khai thác trong thời hạn hợp đồng dự án.

Chuyên đề