Xã hội hóa đầu tư tại Hải Phòng: Bến xe 50 tỷ đồng có nguy cơ “đắp chiếu”

(BĐT) - Thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ của Chính phủ và UBND TP. Hải Phòng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để xây dựng Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý tại số 52, phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng. Tuy nhiên, sau hơn một năm đi vào hoạt động, bến xe thì “đìu hiu”, còn nhà đầu tư đang “chết dần” trước sự thờ ơ của các cơ quan quản lý.
Bến xe khách Thượng Lý không một bóng người. Ảnh: Bùi Tuấn Linh
Bến xe khách Thượng Lý không một bóng người. Ảnh: Bùi Tuấn Linh

Chủ đầu tư gặp khó…

Từ năm 2010, TP. Hải Phòng có chủ trương di chuyển Bến xe Tam Bạc nằm trên dải vườn hoa ở trung tâm Thành phố để chỉnh trang lại đô thị, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và tệ nạn xã hội trong nội thành. Thành phố đã có Nghị quyết thể hiện bằng Văn bản kết luận số 82/TB-UBND ngày 23/3/2011 giao cho các sở, ban, ngành cùng tập trung thực hiện. Tại văn bản này, TP. Hải Phòng đã đề ra chủ trương huy động thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Năm 2013, Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng đã trình Lãnh đạo Thành phố và Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng về việc dành toàn bộ diện tích tổng kho của Công ty tại số 52 Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng để đầu tư xây dựng Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý. Sau khi được sự nhất trí cao của tập thể ban lãnh đạo UBND Thành phố, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã ký Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 24/1/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/5000 bến xe khách liên tỉnh do Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng làm chủ đầu tư để xây dựng Thượng Lý “là bến xe liên tỉnh loại 2 thay thế bến xe Tam Bạc”.

Nhận quyết định của UBND Thành phố, Kim khí Hải Phòng huy động gần 50 tỷ đồng để quyết tâm hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Chỉ hơn 1 năm sau ngày khởi công, 1 bến xe hiện đại đã được khánh thành vào ngày 7/5/2015. Ngày 13/5/2016, Giám đốc Sở GTVT TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đã ra Quyết định số 588/QĐ-SGTVT công bố đưa Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý đi vào khai thác.

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, các quyết định vẫn chưa đi vào thực tế. Các tuyến xe khách hoạt động tại Bến xe Tam Bạc trước đó không được điều chuyển về bến xe Thượng Lý như chủ trương ban đầu của Thành phố. Khi không được điều chuyển các nhà xe về, Bến xe khách Thượng Lý đang trong tình trạng “thoi thóp” vì thu không đủ chi. Trong khi đó, DN đang trong giai đoạn gặp khó khăn về tài chính, phải đến làm việc với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Lê Chân để xin gia hạn và cơ cấu lại khoản nợ đã vay để thực hiện đầu tư dự án này. Phía Ngân hàng cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho DN nhưng nếu như vậy thì Công ty sẽ có tiền sử nợ xấu và lãi suất tiền vay sẽ tăng từ 10,5% lên 150%. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động của DN. Hơn nữa, nếu không có khả năng chi trả, đó thực sự là “đòn bẩy” giúp DN tiến gần hơn tới nguy cơ “phá sản”. 

Lao đao vì chính sách “tiền hậu bất nhất”

Tại sao trong thời gian chờ chuẩn bị chuyển bến, gia hạn thời gian đóng cửa Bến xe Tam Bạc đến ngày 15/6/2015, Sở GTVT đã đơn phương chuyển 50% sản lượng của Bến xe Tam Bạc về Bến xe Niệm Nghĩa và giao cho Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng (trực thuộc Sở GTVT Hải Phòng) thực hiện. Phải chăng có sự phân biệt “con đẻ, con nuôi” của Sở GTVT Hải Phòng?
Ngày 19/5/2015, UBND TP. Hải Phòng có văn bản chấp thuận phương án điều chuyển các tuyến vận tải khách đang hoạt động tại Bến xe Tam Bạc do Sở GTVT xây dựng. Theo quyết định này, 106/143 chuyến xe đi TP. Hà Nội sẽ điều chuyển về Bến xe Thượng Lý tiếp tục hoạt động, số còn lại đi các tỉnh, thành phố khác cho phép các DN được lựa chọn bến xe để điều chuyển tuyến sao cho thuận lợi nhất.

Sau đó, UBND TP. Hải Phòng đã thống nhất giao Sở GTVT Hải Phòng thực hiện phân bổ các chuyến xe hiện có tại Bến xe Tam Bạc về các bến Niệm Nghĩa, Cầu Rào và Thượng Lý trên cơ sở DN vận tải được lựa chọn bến. Cụ thể, ngày 5/6/2015, Sở GTVT có Văn bản số 955/SGTVT-VT cho phép các DN hoạt động vận tải tại Bến xe Tam Bạc tuyến Hải Phòng - Hà Nội được lựa chọn giữa Bến xe Niệm Nghĩa (thuộc Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng) và Bến xe Thượng Lý, thời gian thực hiện tạm thời đến 31/12/2015, sau đó sẽ nghiên cứu sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Sở GTVT lấy lý do là “một số DN, chủ phương tiện vận tải có phản ứng gay gắt, gây áp lực với cơ quan chính quyền như treo băng rôn quanh xe để phản đối, dọa đình công đòi quyền lợi về chuyện các nhà xe được chọn bến và không được chọn bến… khiến tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Lưu Thành Đông, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển kim khí Hải Phòng đặt câu hỏi: “Tại sao trong thời gian chờ chuẩn bị chuyển bến, gia hạn thời gian đóng cửa Bến xe Tam Bạc đến ngày 15/6/2015, Sở GTVT đã đơn phương chuyển 50% sản lượng của Bến xe Tam Bạc về Bến xe Niệm Nghĩa và giao cho Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng (trực thuộc Sở GTVT Hải Phòng) thực hiện. Phải chăng có sự phân biệt “con đẻ, con nuôi” của Sở GTVT Hải Phòng?”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Thành phố lại tiếp tục phê duyệt cấp 6,5 ha đất cho Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng để xây bến xe khách tại đường Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh, cách trung tâm Thành phố hơn 10 km, đồng thời phê duyệt cho Công ty Bus Hải Âu xây dựng bến xe mới với diện tích 02 ha. Nếu 2 bến xe này được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, rất có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa bến xe và gây lãng phí lớn. Trong khi đó, Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý đã được xây dựng, địa điểm thuận lợi thì đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười”.

Chuyên đề