Xã hội hóa cao nhất để đầu tư mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất

(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh chủ trương này tại cuộc họp về rà soát các phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra ngày 22/2, tại Hà Nội.
Để đảm bảo hiệu quả cho phương án mở rộng sân bay, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án.  Ảnh: Tường Lâm
Để đảm bảo hiệu quả cho phương án mở rộng sân bay, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Ảnh: Tường Lâm

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) trình bày chi tiết 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Các thành viên dự họp đã phát biểu nhiều ý kiến để đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi đã rà soát, nghiên cứu kỹ các phương án, Phó Thủ tướng cho rằng, đã có đủ cơ sở khoa học để lựa chọn phương án 3 là phù hợp, đảm bảo nhu cầu của người dân, thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải nhanh chóng giải toả ùn tắc; có tổng mức đầu tư rẻ nhất, có thể xã hội hoá đầu tư ở mức cao nhất, ít sử dung vốn nhà nước nhất. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn, chất lượng, tăng tính an toàn cho hoạt động của sân bay, cho hành khách, phương tiện.

“Tuy phương án 3 là phù hợp, nhưng cần phải hoàn thiện thêm cùng với tất cả các phương án khác để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các yếu tố”, Phó Thủ tướng lưu ý và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện các phương án quy hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tuần tới.

Để đảm bảo hiệu quả cho phương án mở rộng sân bay, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiến hành phân định rõ từng hạng mục để tổ chức lập dự án. Với các hạng mục bên trong sân bay, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị theo chức năng tổ chức lập dự án, dự kiến giao chủ đầu tư. Các nhà ga hành khách T3, T4, sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ khác giao chủ đầu tư là doanh nghiệp, chủ yếu sử dụng vốn xã hội hoá. Các dự án giao thông kết nối, thoát nước ngoài sân bay do UBND TPHCM thực hiện. Đồng thời, “ngay từ thời điểm này cần song song chuẩn bị các công việc thực hiện dự án như thiết kế kỹ thuật, lập dự toán, dự kiến lựa chọn nhà đầu tư để có thể phê duyệt ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng chủ trì xây dựng các cơ chế đặc thù cho từng dự án để có thể áp dụng đồng bộ ngay khi được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; phối hợp với UBND TP. HCM xử lý các kiến nghị của TP. HCM theo thẩm quyền để bảo đảm các công trình đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.

UBND TP.HCM chủ động lập quy hoạch chỉnh trang đô thị khu vực sân bay; chủ động điều chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông Thành phố cũng như nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông kết nối, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài sân bay, đảm bảo phục vụ hoạt động của sân bay có hiệu quả.

Theo Chính phủ, tại các cuộc họp liên quan trước đó, phương án được cân nhắc lựa chọn là phương án 3. Theo phương án này, xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh 25L/07R và 25L/07L; xây dựng nhà ga T3 và T4 mỗi nhà ga có công suất 10 triệu hành khách/năm; xây dựng khu bãi đỗ và bảo dưỡng kỹ thuật phía Bắc. Phương án này sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách/năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng 24,52 ha đất quân sự để xây dựng nhà ga, không cần giải toả đất dân sự. Tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 19.350 tỷ đồng, thời gian xây dựng hoàn thành trong 2 - 3 năm.

Cũng theo yêu cầu, ADCC cũng trình phương án 3B trên cơ sở cùng công suất với phương án 3, nhưng đầu tư  xây dựng ở phía bắc (khu vực sân golf, một số đơn vị quốc phòng và nhà dân). Với phương án 3B, công suất của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đạt 43 - 45 triệu hành khách/năm nhưng sẽ phải giải phóng mặt bằng 276 ha, trong đó đất dân cư 28,6 ha, đất quân sự 90,1 ha và đất sân golf 157,3 ha đồng thời tái định cư cho 6.050 hộ dân. Tổng mức đầu tư của phương án này là 61.590 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với phương án 3. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành cũng dài hơn, mất từ 10 đến 12 năm, trong đó riêng công tác giải phóng mặt bằng đã mất khoảng 5 năm.

Chuyên đề