World Bank công bố chiến lược mới tại Việt Nam

Với khung đối tác mới này nhóm WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và “tốt nghiệp” quy chế vay vốn dành cho các nước thu nhập thấp của WB.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam.

Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thảo luận và thông qua Khung đối tác quốc gia (CPF) mới của nhóm WB với Việt Nam, đề ra những định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Theo đó, WB khẳng định tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam, cùng đồng hành với Việt Nam trong quá trình củng cố thành tựu phát triển và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và phát triển đầy tham vọng.

Khung đối tác này cũng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, và nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Với khung đối tác mới này nhóm WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước thu nhập trung bình và “tốt nghiệp” quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của WB.

“Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa, bao gồm đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi phải tinh chỉnh cả phương pháp và công tác triển khai,” ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Khung đối tác mới tiếp tục phát huy những hỗ trợ sẵn có của WB tại Việt Nam, phối hợp và bổ trợ với các đối tác phát triển khác, huy động thêm các nguồn lực khác phục vụ phát triển, ví dụ huy động nguồn vốn thương mại và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân.

Bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: phát triển bao trùm và sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư vào con người và tri thức; bền vững môi trường và năng lực ứng phó; và quản trị tốt.

CPF sẽ được thực hiện với sự tham gia đáng kể của chính quyền địa phương, sẽ thử nghiệm và áp dụng cách tiếp cận đa ngành và theo vùng, và sẽ quan tâm giải quyết và lồng ghép vấn đề giới thông qua một loạt các hình thức gồm hỗ trợ tư vấn, phân tích, đối thoại chính sách, cho vay và lập các đối tác chiến lược.

Theo ông Ousmane Dione, trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới WB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo tác động mang tầm chiến lược.

“Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế: Ngân hàng Thế giới, IFC, MIGA và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn, hay bảo lãnh”, lãnh đạo WB Việt Nam khẳng định.

Chuyên đề