Vì sao không đấu giá quỹ đất thanh toán dự án BT?

(BĐT) - Tại sao không đấu giá đất rồi dùng tiền đó đầu tư công trình? Tại sao khi giao đất thanh toán dự án BT không thực hiện đấu giá mà giao thẳng? 
Bản chất của việc giao quỹ đất, tài sản cho nhà đầu tư BT là Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư đã được lựa chọn qua đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi
Bản chất của việc giao quỹ đất, tài sản cho nhà đầu tư BT là Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư đã được lựa chọn qua đấu thầu. Ảnh: Nhã Chi

Đó là những câu hỏi mà nhiều người đặt ra và cũng là câu hỏi mà lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT. Mới đây, Bộ Tài chính đã có sự lý giải cho những câu hỏi này.

Nhà nước không thể “vừa mua vừa bán”

Trước những thất thoát, lãng phí trong nhiều dự án BT thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do giao đất cho nhà đầu tư BT không qua đấu giá, hay nói cách khác là một hình thức bán chỉ định quỹ đất. Việc giao đất như vậy cũng không phù hợp với quy định của Luật Đất đai là đất sạch muốn giao đất cho nhà đầu tư phải thông qua đấu giá.

Lý giải cho việc không đấu giá tài sản công trong trường hợp giao đất thanh toán cho nhà đầu tư BT, Bộ Tài chính cho rằng, việc đấu giá tài sản công trong trường hợp này là không khả thi vì khi đấu thầu dự án BT thì Nhà nước đóng vai trò “bên mua”, nhà đầu tư đóng vai trò bên bán. Trong trường hợp đấu giá tài sản công thì vai trò ngược lại. Pháp luật hiện hành không có quy định đồng thời vừa đấu thầu mua vừa đấu giá bán đối với cùng một dự án. 

Bộ Tài chính lý giải thêm, theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT, vì vậy nhà đầu tư đã được xác định. Nếu sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án BT mà lại mang tài sản công ra đấu giá thì sẽ chỉ có một nhà đầu tư, không mang tính cạnh tranh hoặc nếu đấu giá như quy định của pháp luật về đất đai thì không còn đúng tính chất và nguyên tắc như pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.

Ngoài ra, theo nhiều địa phương, thực tế quỹ đất hoàn vốn dự án BT đều chưa giải phóng mặt bằng. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo thành đất sạch. Lúc này nếu đấu giá quỹ đất, nhà đầu tư trúng đấu thầu đã thi công dự án BT, đã ứng tiền giải phóng mặt bằng không trúng đấu giá sẽ giải quyết như thế nào. 

Tại sao không đấu giá rồi dùng tiền đầu tư công trình?

Về một số ý kiến cho rằng nên thực hiện đấu giá quỹ đất, rồi dùng tiền đó thanh toán cho nhà đầu tư BT, Bộ Tài chính nêu quan điểm pháp luật hiện hành không quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT bằng tiền. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định này là sử dụng tài sản công (quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công khác) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 63/2018/NĐ-CP. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT không thuộc phạm vi điều chỉnh của 2 văn bản pháp luật này, mà phải thực hiện theo hình thức thực hiện dự án đầu tư theo pháp luật về đầu tư công và chi đầu tư công từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, một chuyên gia về PPP cho biết, để đấu giá thì quỹ đất phải được giải phóng mặt bằng sẵn, phải là đất sạch. Nếu có nguồn lực để giải phóng mặt bằng thì việc đấu giá mới có thể thực hiện được và câu hỏi “Tại sao không đấu giá rồi dùng tiền đó đầu tư công trình” mới có lời giải. Trong khi đất đối ứng dự án BT từ thực tế triển khai những năm qua đều là đất chưa giải phóng mặt bằng.

Theo Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giao quỹ đất, tài sản cho nhà đầu tư BT cũng không mang ý nghĩa “chỉ định”, mà bản chất là Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư đã được lựa chọn qua đấu thầu dự án BT.

Quan trọng nhất là đấu thầu cạnh tranh thực sự khi lựa chọn nhà đầu tư BT. Đấu giá đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư BT nếu không minh bạch, cạnh tranh thực sự đều tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước.

Chuyên đề