Vật liệu xây không nung: Ưu việt nhưng không dễ phát triển

(BĐT) - Với yêu cầu phát triển bền vững của ngành xây dựng hiện nay, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung đang trở thành một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để sản phẩm này được sử dụng rộng rãi, tưởng thì dễ nhưng lại không hề đơn giản chút nào.
Sử dụng vật liêu xây dựng thân thiện môi trường là xu thế của tương lai. Ảnh: Tất Tiên
Sử dụng vật liêu xây dựng thân thiện môi trường là xu thế của tương lai. Ảnh: Tất Tiên

Nhiều ưu điểm vượt trội

Theo ông Phan Đức Nhạn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, so với các sản phẩm truyền thống, vật liệu xây không nung có nhiều ưu điểm vượt trội. Ngoài hạn chế được việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp, vật liệu xây không nung còn tận dụng được một nguồn phế thải công nghiệp lớn làm nguyên liệu. Đặc biệt, riêng gạch không nung bê tông khí chưng áp luôn có tỷ trọng nhẹ, dễ vận chuyển, khả năng chống cháy cao, chịu nhiệt tốt, bền và chống được động đất…

Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng thực tế cho thấy, việc phát triển vật liệu xây không nung gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng chủ yếu đến từ hai phía là nhà sản xuất và người tiêu dùng. Về phía nhà sản xuất, giá bán của các sản phẩm vật liệu xây không nung còn tương đối cao so với gạch đất sét nung. Về phía người tiêu dùng, bao gồm cả chủ đầu tư, do tâm lý chỉ quan tâm đến chi phí xây dựng nên cũng không mấy mặn mà các sản phẩm mới này.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã phối hợp với Sở Xây dựng của 7 tỉnh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang triển khai thực hiện chương trình khảo sát, thu thập thông tin về nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, chủng loại vật liệu xây dựng đang là thế mạnh của mỗi địa phương. Cái được lớn nhất của sự hợp tác này chính là ký kết Bản thỏa thuận hợp tác công tác quản lý, phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2014 - 2020.

Mới đây nhất, trong hạ tuần tháng 12/2015, chính quyền TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ Sở Xây dựng trong công tác rà soát, lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/2013/CT-UBND ngày 28/1/2013 của UBND Thành phố về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn TP.HCM. Một định hướng lâu dài cho việc phát triển bền vững lĩnh vực vật liệu xây dựng đã được vạch ra. 

Lối ra nào cho vật liệu xây không nung?

Thời gian qua, để các chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng, TP.HCM và 7 tỉnh còn lại trong Vùng TP.HCM đã đưa ra rất nhiều biện pháp. Tuy nhiên, kết quả thực tế đã không như mong đợi. Vật liệu xây không nung chưa tạo được sự lan tỏa trên thị trường, các nhà sản xuất chưa có một chiến lược quảng bá rõ ràng, làm cho tình hình đã khó khăn càng thêm khó khăn.

Ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc thay thế sản phẩm gạch đất sét nung bằng vật liệu xây dựng không nung như gạch nhẹ, gạch bê tông có công nghệ tiên tiến là một giải pháp kịp thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên đất. Vẫn theo ông Đỗ Đức Duy, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 về Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam. Đó là một minh chứng cho việc phát triển vật liệu xây dựng quan trọng đến mức nào.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu vật liệu xây dựng tương ứng khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn. Nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung, sẽ tiêu tốn khoảng 57 đến 60 triệu m3 đất sét, tương đương với 2.800 đến 3.000 ha đất nông nghiệp bị xóa sổ. Đó là chưa kể đến việc tiêu tốn khoảng 5,3 đến 5,6 triệu tấn than, thải ra ngoài khoảng 17 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

“Việc tiếp tục liên kết phát triển vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường giữa TP.HCM với các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt quan tâm đến nguồn cung nguyên liệu, địa điểm sản xuất là rất cần thiết. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng lộ trình nâng cao trình độ công nghệ, định hướng đầu tư đổi mới công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Phát triển bền vững là tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, thân thiện môi trường, an sinh xã hội, với môi trường sống lành mạnh ”, ông Trần Trọng Tuấn khẳng định.

Chuyên đề