Vào TPP, không thể để “lũ” cuốn trôi

(BĐT) - Nếu không tận dụng được cơ hội TPP để phát triển thì tương lai của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ ra sao? 
Doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào công nghệ và thiết bị mới. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào công nghệ và thiết bị mới. Ảnh: Lê Tiên

Đó là một câu hỏi lớn được đặt ra tại buổi Tọa đàm CEO 2016: Hội nhập kinh tế và tự do thương mại - Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công ty PwC Việt Nam tổ chức. 

Áp lực từ những FTA

Bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng bộ phận Thương mại và Kinh tế thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, ngoài Singapore, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. EU là một thị trường đồng nhất với 28 quốc gia thành viên, gồm 508 triệu dân. Hàng hóa vào EU sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo, nhưng khi đã đạt chuẩn, hàng hóa có thể vào các quốc gia riêng lẻ trong toàn khối.

Theo các diễn giả, TPP có hiệu lực, thuế quan giảm sẽ là cơ hội lớn cho các DN Việt Nam. Một trong những hoạt động mà các DN Việt Nam cần sớm triển khai là phải tìm hiểu kỹ thị trường, tức thăm dò từng thị trường một. Hay nói chính xác, nếu muốn xuất khẩu tốt thì phải tiếp cận được người tiêu dùng. Theo đó, đã đến lúc cần có sự thay đổi thực sự trong tư duy về thương hiệu và chất lượng của sản phẩm Việt. Lâu nay, chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng hàng Việt Nam chưa tạo được thương hiệu và có giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra, TPP là một trong những FTA của kỷ nguyên mới. Vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng, nhất là với các đối tác thương mại.

Ông Patrick Tay, Giám đốc Công ty tư vấn PwC Malaysia nhận định, Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn với trên 90 triệu dân. Song, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các quốc gia khác, kể cả Malaysia. Đây là yếu tố các DN Việt Nam cần tập trung để cải thiện. Nghĩa là phải tăng cường tính cạnh tranh hơn nữa. TPP là động lực buộc các DN Việt Nam phải thay đổi. Các DN Việt Nam cần nắm bắt 3 chiến lược cơ bản. Một là phải thay đổi mô hình cũ bằng mô hình mới; hai là sáng tạo và cải tiến; ba là phải biết nắm bắt cơ hội.

Sớm thay đổi để thích nghi

Hiện nay các DN có vốn đầu tư của Nhà nước và những nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều ưu đãi trong khi các DN tư nhân chưa quan tâm đúng mức. Do vậy, theo các DN, Nhà nước cần quan tâm và hỗ trợ hơn nữa đến các DN nhỏ và vừa. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam, khi vào TPP, khung khổ pháp lý sẽ ổn định hơn, sân chơi sẽ bình đẳng hơn, môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng hơn. Nhưng, chúng ta phải thay đổi trước khi những áp lực từ bên ngoài bắt buộc chúng ta phải thay đổi. Phải thay đổi để nắm bắt những cơ hội từ TPP để phát triển, nếu không, tương lai của các DN Việt Nam sẽ khó lường.

Chúng ta phải thay đổi trước khi những áp lực từ bên ngoài bắt buộc chúng ta phải thay đổi. Phải thay đổi để nắm bắt những cơ hội từ TPP để phát triển
Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang cho rằng, vào TPP là “sống chung với lũ”, tức “lũ” đến đâu mình theo đến đó, không thể để nó cuốn trôi. Theo bà Nga, việc đầu tiên và quan trọng nhất với Dược Hậu Giang nói chung và DN nói riêng là đầu tư vào công nghệ với thiết bị mới, đặc biệt là tự động hóa. Hai là, đổi mới hệ thống quản trị, hiện đại hóa, để đón được những cơ hội khi TPP có hiệu lực. Ba là củng cố nguồn nhân lực, tức là chấp nhận sự thay đổi, có thể mời tư vấn để họ giúp mình trong việc quản trị.

“Chúng ta phải chấp nhận thay đổi, phải hiểu được những gì đang đến với chúng ta. Sau 7 đến 10 năm thị trường nội khối TPP sẽ được tự do hóa hoàn toàn. Như học để thi vậy, trong 2 năm nữa khi TPP có hiệu lực, nếu chúng ta không học ngay từ bây giờ, chắc chắn tới đó sẽ thi rớt”, ông Ông Patrick Tay, lưu ý.

Thực tế cho thấy, các DN Việt Nam có khả năng thích ứng khá tốt. Dù sống trong môi trường kinh doanh chưa tốt nhưng biết chèo lái con thuyền DN của mình không bị đắm. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một phẩm chất đáng quý khác của các DN Việt Nam đó là tính kiên trì. Không có người khổng lồ nào có thể chiếm lĩnh hết thị trường, nên những DN nhỏ của Việt Nam chắc chắn vẫn còn nhiều cơ hội, nhưng phải biết học hỏi và đi từng bước một.

Chuyên đề