Vẫn “tắc” giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông

(BĐT) - Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là công tác giải ngân vốn đầu tư công của ngành không đạt kế hoạch được giao. 
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp ngành giao thông vận tải không đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp ngành giao thông vận tải không đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công. Ảnh: Tường Lâm

Ước tính, cả năm 2018, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông chỉ đạt trên 90% so với kế hoạch, và đây là năm thứ 3 liên tiếp tỷ lệ này không đạt yêu cầu.

3 năm giải ngân không “cán đích”

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã thẳng thắn thừa nhận, mặc dù công tác giải ngân vốn đầu tư công của ngành giao thông được Chính phủ và Bộ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân vẫn không đạt so với kế hoạch được giao.

Năm 2018, tổng số kế hoạch vốn cần phải giải ngân của ngành giao thông là 26.332 tỷ đồng, nhưng ước tính con số giải ngân mới đạt khoảng 23.785 tỷ đồng (90,3%). Trong đó, 1.835 tỷ đồng vốn nước ngoài giải ngân phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2018 để ghi lại vào các năm sau; vốn trái phiếu chính phủ phải kéo dài giải ngân 1.130 tỷ đồng sang năm 2019.

Như vậy, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp ngành GTVT không đạt được mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2016, tỷ lệ giải ngân của ngành đạt 84,5%; năm 2017 đạt 82,5% và năm 2018 đạt hơn 90%.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, nguyên nhân là do các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn khả năng thực tế do lạc quan vào khả năng thực hiện của dự án, không lường trước được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng, các sự cố công trình, điều kiện bất lợi của thời tiết… Một số chủ đầu tư còn có tâm lý xây dựng nhu cầu giải ngân ở mức kỳ vọng cao vì số vốn không giải ngân hết sẽ được kéo dài thực hiện, giải ngân sang năm sau.

Bên cạnh đó, trong quá trình điều hành triển khai các dự án, một số đơn vị còn chưa theo dõi, quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư của các dự án, chưa chủ động kịp thời rà soát nhu cầu vốn thực hiện dự án, xác định vốn dư trong quá trình thực hiện dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế… 

Không để nhà thầu năng lực yếu kém tham gia dự án

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, công tác kế hoạch hóa đầu tư của ngành GTVT vẫn còn nhiều tồn tại, một số kế hoạch đề ra không sát với thực tế, chất lượng các dự án chưa cao, công tác quản lý dự án chưa hiệu quả, giải ngân không đạt yêu cầu nên dự án có nguy cơ không đảm bảo tiến độ. Đây là những tồn tại và thách thức mà ngành GTVT cần tập trung tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, sớm hoàn thành đưa các công trình vào khai thác. Toàn ngành GTVT cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch trung hạn, kế hoạch năm được giao; rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân chi tiết có gắn với các mốc tiến độ cụ thể cho từng dự án.

Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định, thời gian tới, ngành GTVT sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định thiết kế, dự toán các công trình, dự án đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát vốn đầu tư; tăng cường công tác quản lý đấu thầu, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ kiên quyết không để các nhà thầu năng lực yếu kém tham gia các dự án của ngành; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Về phía các chủ đầu tư, phải bám sát các cơ quan liên quan để đẩy nhanh các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; đẩy nhanh hoàn thiện công tác quyết toán các dự án đã hoàn thành; rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục nghiệm thu, thanh toán để giải ngân kịp thời cho nhà thầu, tư vấn.

Chuyên đề