Tuyến Đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM): Vì sao chậm 2 năm?

(BĐT) - Theo báo cáo của UBND TP.HCM, do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nên tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ mất 2 năm. 
Dự kiến năm 2020 mới hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Hoài Tâm
Dự kiến năm 2020 mới hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Hoài Tâm

Dự án này đã từng điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gấp 2,7 lần, thành dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội.

Điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp 2,7 lần

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên thuộc dự án nhóm A được UBND Thành phố phê duyệt từ năm 2007. Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 126.582,650 triệu Yên (tương đương 17.387,655 tỷ đồng).

Dự án được điều chỉnh vào năm 2011 với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 236.626 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng). Dự án sau khi được điều chỉnh thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Theo UBND Thành phố, Dự án sẽ bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm Thành phố đến cửa ngõ Đông - Bắc Thành phố, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này. Thành phố cho rằng, tuyến đường sẽ góp phần quan trọng giảm tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến.

Dự án có chiều dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Điểm đầu Dự án tại Bến Thành, quận 1; điểm cuối tại Depot Long Bình, Quận 9; bao gồm 11 ga trên cao.

Dự án gồm 4 gói thầu chính: Gói thầu số 1a Xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố; Gói thầu số 1b Xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Sơn; Gói thầu số 2 Xây dựng đoạn đi trên cao và depot; Gói thầu số 3 Mua sắm thiết bị cơ điện và đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng. Tổng diện tích đền bù, giải phóng mặt bằng là 676.836 m2.

Nguồn vốn của Dự án bao gồm, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản chiếm 88,4% tổng mức đầu tư; vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM chiếm 11,6% tổng mức đầu tư. Dự án được thực hiện từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành công trình đưa vào khai thác năm 2018. 

Thi công mới đạt khoảng 56% khối lượng

Cập nhật về tiến độ Dự án, UBND Thành phố cho biết, đến nay Dự án đang triển khai thi công mới đạt khoảng 56% khối lượng. Gói thầu tư vấn hiện đang xem xét hồ sơ thiết kế kỹ thuật các gói thầu và thực hiện giám sát thi công. Gói thầu số 1a đạt khối lượng 50%; Gói thầu số 1b đạt khối lượng 66%; Gói thầu số 2 đạt khối lượng 77%; Gói thầu số 3 đạt khối lượng 32%.

Kết quả giải ngân của Dự án cho thấy, vốn ODA giải ngân là 69,427 tỷ Yên (tương đương 13.969 tỷ đồng, bao gồm giải ngân từ khoản tạm ứng ngân sách TP.HCM là 1.900 tỷ đồng), đạt 33% tổng vốn ODA; vốn đối ứng giải ngân được 1.465 tỷ đồng, đạt 27%.

UBND Thành phố cho biết, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng Gói thầu số 2; phân chia Gói thầu số 1 thành Gói thầu số 1a và Gói thầu số 1b; xử lý tình huống đấu thầu của Gói thầu số 3 và Gói thầu số 1b; thay đổi quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị… đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các gói thầu.

Bên cạnh đó, Dự án cũng phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4. Do vậy, Dự án phải tới năm 2020 mới hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác.

Chuyên đề