Tự vệ tạm thời để bảo vệ thép nội

(BĐT) - Để “bảo vệ” thép nội, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 22/3/2016, hai mặt hàng này sẽ bị áp thuế tự vệ tạm thời dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.
Mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%. Ảnh: Tất Tiên
Mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%. Ảnh: Tất Tiên

Lời kêu cứu từ doanh nghiệp

Sức ép của hàng ngoại khiến các nhà sản xuất thép trong nước bị sụt giảm thị phần, lợi nhuận, công suất, nhân công và gia tăng lượng hàng tồn kho. Đặc biệt, sự sụt giảm thể hiện rõ trong năm 2015 và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ngày 15/12/2015, Bộ Công Thương nhận được Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ (BPTV) đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của  Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý.

Trong thời gian Bộ Công Thương tiến hành điều tra áp dụng BPTV, trước thực trạng phôi thép nhập khẩu ồ ạt trong tháng 1/2016 khiến Công ty CP Thép Hòa Phát “sốt ruột” kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ với lập luận rằng: “Với lượng nhập khẩu quá lớn, ngành sản xuất thép Việt Nam chắc chắn không thể trụ vững và gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thép nhập khẩu”.

Tiếp tục dẫn ra số liệu về lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam năm 2015 lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng đã có đơn kêu cứu lên Thủ tướng (ngay sau Hòa Phát), thông tin về tình trạng nhập khẩu tiếp diễn trong đầu năm 2016 càng đáng lo ngại.

Theo đó, mức nhập khẩu đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD tấn (tháng 1/2015) giảm xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất phôi thép trong nước.

Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, lượng phôi thép nhập khẩu tăng cao đột biến, giá phôi thép nhập khẩu cũng giảm mạnh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 - 5 triệu tấn trong năm 2016. “Với lượng nhập khẩu này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ không chỉ tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như đã xảy ra trong năm 2015, mà thậm chí phải đóng cửa” – Văn bản của VSA cảnh báo. 

Áp biện pháp tự vệ tạm thời

Trong Kết luận sơ bộ về thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho rằng, giá hàng hóa nhập khẩu đã gây tác động ép giá và kìm giá đối với hàng hóa tương tự được sản xuất trong nước. Sản lượng phôi thép có sự gia tăng nhẹ trong năm 2015 nhưng với tốc độ tăng trưởng giảm rõ rệt so với các năm trước. Công suất sử dụng của ngành phôi thép tăng trong giai đoạn 2011 -2014 nhưng đã giảm mạnh trong năm 2015. Lượng phôi thép bán ra có sự gia tăng trong năm 2015, tuy nhiên tốc độ này vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng cầu trong nước.

 Tình hình tồn kho phôi thép và thép dài diễn biến rất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2015. Thị phần của 2 mặt hàng này đã liên tục giảm trong giai đoạn 2013 - 2015 và giảm xuống thấp nhất vào năm 2015. Trong khi đó, thị phần của hàng nhập khẩu lại tăng liên tục trong giai đoạn 2012 - 2015…

Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh phôi thép và thép trong nước đều đã sụt giảm rất rõ ràng, điều này cho thấy ngành sản xuất trong nước này đã phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng.

Về các diễn biến không lường trước, trong năm 2015, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã liên tục phá giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu đang “dư thừa công suất và sản lượng”. Động thái này khiến giá các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng rẻ đi tương đối so với các nước khác, dẫn đến khó khăn cho một số ngành sản xuất, trong đó ngành thép gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với thép xuất khẩu của Trung Quốc.

Cơ quan Điều tra kết luận, việc chậm áp dụng BPTV tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.

Do vậy, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định áp dụng BPTV tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và đối với thép dài là 14,2%. BPTV tạm thời này được áp dụng từ ngày 22/3/2016 và được áp dụng trong khoảng thời gian không vượt quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực.

Chuyên đề