Tù mù trái phiếu doanh nghiệp

Từ năm 2020, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu buộc phải thông qua xếp hạng định mức tín nhiệm.
Tù mù trái phiếu doanh nghiệp

Từ năm 2020, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu buộc phải thông qua xếp hạng định mức tín nhiệm.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành còn khiêm tốn

Những năm gần đây, khá nhiều doanh nghiệp chuộng phát hành trái phiếu để huy động vốn. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến  ngày 14/8/2015, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra thị trường là 11.148 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ là 123.479 tỷ đồng; khối lượng phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng thì khối lượng TPDN đã phát hành còn rất khiêm tốn.

Một phần nguyên nhân được lý giải là do các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát hành trái phiếu vì thời gian vay ngắn và thiếu các tổ chức tư vấn phát hành có năng lực, uy tín, đủ sức thu xếp nguồn vốn đáp ứng thời hạn dài. 

Bên cạnh đó, cấu trúc trái phiếu phát hành chưa hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng TPDN phát hành ra thị trường vẫn còn hạn chế và chưa hiệu quả. “Nói đến trái phiếu, người ta thường nghĩ dài hạn, nhưng trái phiếu mà các doanh nghiệp đã phát hành trong 3 - 4 năm qua chủ yếu là ngắn hạn, 12 - 18 tháng, tối đa là 36 tháng. Rất hiếm mới thấy một vài doanh nghiệp phát hành được trái phiếu 5 năm. Trong khi đó, thường một dự án phải mất 2 năm đầu tư, 3 năm vận hành thương mại để đạt công suất thiết kế, điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể chưa đến điểm hòa vốn, doanh nghiệp đã phải lo trả nợ”, một cố vấn cao cấp của Công ty TNHH Bảo hiểm quốc tế Mỹ AIA Vietnam phân tích.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, sở dĩ thị trường TPDN chưa hoàn chỉnh, chưa là kênh huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp, quy mô thị trường còn nhỏ và tính thanh khoản còn hạn chế là do chúng ta chưa có doanh nghiệp xếp hạng định mức tín nhiệm. 

Thực tế, dù được phép phát hành 20 năm nay nhưng đến thời điểm này, theo thống kê, cả nước mới chỉ có vài chục doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và hầu hết vẫn là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản. Theo giới phân tích, một trong những lý do chính khiến cho số phận của TPDN trở nên chật vật là do thiếu tổ chức định mức tín nhiệm.

Phải xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu 

Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 của Thủ tướng Chính phủ, việc phát hành TPDN sẽ phải qua xếp hạng tín nhiệm kể từ năm 2020; và từ nay tới năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho tối đa 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Việc phát triển dịch vụ này nhằm hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển, nâng cao tính công khai, minh bạch, thúc đẩy huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.

Các tổ chức, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không xa lạ với thị trường tài chính thế giới, nhưng rất mới với thị trường Việt Nam, nơi mà nhiều loại trái phiếu được phát hành chưa được đánh giá bởi bất kỳ một tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập nào. Việc không có doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm với tư cách là tổ chức trung gian để phân tích, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu khiến nhà đầu tư không có thông tin về mức độ rủi ro của trái phiếu nên đã hạn chế giao dịch.

Theo các chuyên gia phân tích tài chính, khác với trái phiếu chính phủ, về lý thuyết, nếu cần vốn, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu để có những khoản vốn vay lớn, lãi suất thấp hơn cả lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế này, TPDN cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như rủi ro về tín dụng, lạm phát, tỷ giá, rủi ro thanh lý, rủi ro do biến cố bất ngờ… Những rủi ro này nếu có một đơn vị độc lập đứng ra phân tích, công bố thì sẽ là nguồn thông tin tham khảo rất quan trọng cho các nhà quản lý, nhà đầu tư.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam khi phát hành trái phiếu để huy động vốn tại thị trường trong nước thì không đánh giá xếp hạng tín nhiệm; khi phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường nước ngoài thì lại phải thuê dịch vụ của các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Việc chưa có dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước phần nào ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường TPDN và thị trường vốn. 

Dự kiến, từ nay đến năm 2030, sẽ có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong nước được hình thành. Cơ chế cho sự ra đời cho các tổ chức, công ty định mức tín nhiệm đã có với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. 

Theo Bộ Tài chính, khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này được hình thành, kết quả định mức tín nhiệm sẽ được sử dụng rộng rãi và chắc chắn sẽ tác động lớn đến thị trường vốn. Cụ thể là tác động trực tiếp đến giá giao dịch của các công cụ nợ được định mức tín nhiệm; đến quyết định đầu tư vào công cụ nợ; đến quyết định huy động vốn của các doanh nghiệp phát hành... Lúc đó, việc bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động định mức tín nhiệm sẽ là điểm then chốt để kết quả định mức tín nhiệm phát huy được vai trò trong thị trường. Nếu làm được như vậy, trong trường hợp xếp hạng tín nhiệm là bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp nào có định mức tín nhiệm cao tất yếu sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu huy động vốn.

Chuyên đề