Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ: Xuất khẩu của Việt Nam gặp khó

(BĐT) - Việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) vào sáng ngày 7/1 vừa qua được dự báo sẽ tác động bất lợi đến xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong thời gian tới.
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được dự báo không có tác động lớn đến Việt Nam trong ngắn hạn. Ảnh: NC
Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được dự báo không có tác động lớn đến Việt Nam trong ngắn hạn. Ảnh: NC

Gia tăng thâm hụt thương mại

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, việc Trung Quốc phá giá đồng CNY ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại nước này giảm, ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam. “Chúng ta đang nhập khẩu nhiều công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xuất khẩu sang các nước châu Á thì bất lợi vì không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng buộc phải phá giá đồng tiền, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng lên”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Có chung nhận định này, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, về lý thuyết, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, chắc chắn xuất khẩu của nước này rất có lợi. Các nước, trong đó có Việt Nam, một đối tác nhập khẩu lớn từ Trung Quốc, sẽ chịu nhiều tác động. Một số hàng hóa là nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị phụ tùng phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc do đây là nguồn cung cấp có giá cả cạnh tranh với số lượng lớn. Khi đồng CNY phá giá, nhập khẩu nhóm hàng này có khả năng sẽ tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu.

“Khoảng cách quan hệ thương mại xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. Đó là điều bất lợi cho chúng ta khi nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ giá trị nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc thấp nên Việt Nam sẽ được lợi khi xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Mỹ; các mặt hàng dệt may, da giày của ta sẽ cạnh tranh hơn”, đại diện NHNN dự báo một tín hiệu lạc quan.

Khi phá giá đồng CNY, phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá,... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam.Ông Võ Hùng Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Tác động tiêu cực trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc khi Trung Quốc phá giá đồng CNY là ý kiến chung của nhiều chuyên gia kinh tế khi Việt Nam luôn nhập siêu với mức độ ngày càng lớn từ quốc gia này. Số liệu minh chứng là trong giai đoạn 2005 - 2014, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng hơn 10 lần từ mức 2,8 tỷ USD năm 2005 lên mức gần 29 tỷ USD năm 2014 và khoảng 35 tỷ USD trong năm 2015.

Chỉ tính riêng mặt hàng thép, theo một số đánh giá, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc đang vượt nhu cầu trong nước khoảng 70 - 100%. Lượng sắt thép nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng 3,7 lần trong giai đoạn 2011 - 2014, chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu nhập khẩu sắt thép (tăng từ khoảng 22,6% năm 2011 lên 53% năm 2014 và 60% trong năm 2015). 

Doanh nghiệp xuất khẩu than khó

Các chuyên gia dự báo, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng nông sản và thủy sản sẽ chịu tác động mạnh từ việc đồng CNY phá giá do các mặt hàng này khó chuyển dịch thị trường nếu không xuất khẩu vào Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, cạnh tranh xuất khẩu thủy sản sẽ trở nên gay gắt hơn khi các nước khác sẽ giảm giá đồng tiền theo Trung Quốc. Tương lai, các doanh nghiệp thủy sản của Trung Quốc trước đây phải dừng nay có thể sẽ xuất khẩu trở lại, trở thành đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.

Cùng chung suy nghĩ, ông Võ Hùng Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam thở dài: “Các doanh nghiệp cá tra hiện đã khó khăn nay lại càng khó hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc tăng lên rất nhiều. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Khi phá giá đồng CNY, phía doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ điều chỉnh hợp đồng, thương lượng lại để giảm giá,... khiến lượng xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm, gây thua lỗ cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam".

Cùng chung lo ngại, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Lạng Sơn cho biết, về lý thuyết, khi Trung Quốc phá giá đồng CNY, giá hàng hóa nhập vào nước này sẽ trở nên đắt đỏ. Việc này cũng giống như khi đồng tiền chung châu Âu mất giá, hàng loạt mặt hàng của Việt Nam xuất sang đó đều gặp khó khăn, hàng ùn ứ vì doanh nghiệp bỏ ngang. Vì vậy, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể giảm mạnh cả về lượng và giá trong thời gian tới.

Một số chuyên gia nhận định, việc phá giá đồng CNY và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ không có tác động lớn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc suy giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, đòi hỏi cần có những giải pháp chủ động, hữu hiệu để hạn chế những tác động tiêu cực.

Chuyên đề