Triển vọng nào cho ngành dược nội địa?

(BĐT) - Tuy ngành dược Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng việc mỗi năm phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thuốc chữa bệnh và nguyên liệu sản xuất thuốc đã cho thấy những hạn chế của ngành này.
Thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu nội địa. Ảnh: Lê Tiên
Thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu nội địa. Ảnh: Lê Tiên

Nhập khẩu tăng 16%/năm

Thời gian qua, ngành dược Việt Nam vẫn được biết đến là một trong những ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê của hệ thống cung cấp dữ liệu tài chính FiinPro, tính chung 12 tháng trở lại đây, ngành dược Việt Nam đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 70%, riêng trong 3 tháng gần đây vẫn duy trì mức tăng là khoảng 10%.

Còn theo Tổ chức Giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), ngành dược Việt Nam đang phát triển nhanh nhất châu Á, đứng thứ 17/175 các quốc gia trên thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2015 là 17 - 20%.  Đến năm 2017, tốc độ phát triển thị trường ngành này vẫn được dự đoán sẽ cao hơn 17%. Và theo dự báo của BMI, ngành dược Việt Nam sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 5 năm tới với khoảng 11,8%.

Mặc dù tăng trưởng cao như vậy, với khoảng 4,2 tỷ USD dược phẩm đã được tiêu thụ năm ngoái, nhưng sản lượng thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu với kim ngạch tăng hàng năm khoảng 16%.

Theo PGS. TS. Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, những điểm yếu đã tồn tại từ lâu của ngành dược nội địa là 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc đã phải nhập khẩu với giá trị hàng tỷ USD. Ngành này cũng thiếu chiến lược trung và dài hạn, công nghệ sản xuất trình độ trung bình, chủ yếu sản xuất các dạng “bào chế quy ước”, ít có các dạng bào chế công nghệ cao... Điều này dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu khi đối mặt với mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Về câu chuyên phân phối của doanh nghiệp nước ngoài, ông Truyền cho biết, thị trường nội địa vẫn sẽ được bảo hộ trong 10 - 20 năm nữa. Nguyên nhân là do hệ thống phân phối rộng nhưng công nghệ bán hàng vẫn chưa cao và tình trạng có quá nhiều nhà phân phối nhỏ lẻ làm cho mạng lưới phân phối ở Việt Nam không hiệu quả. Do đó, mục tiêu của bảo hộ là để bảo vệ các nhà phân phối trong nước, cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian để hoàn thiện công nghệ phân phối. 

Sức ép từ khối ngoại

Tính chung 12 tháng trở lại đây, ngành dược Việt Nam đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 70%, riêng trong 3 tháng gần đây vẫn duy trì mức tăng là khoảng 10%.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Truyền đánh giá, chính sách bảo hộ này kéo dài đã được 20 năm (từ 1995) nhưng vẫn chưa thu được hiệu quả, chỉ nên kéo dài thêm 10 năm nữa. Nhà nước cần phải có một thời hạn để tới lúc đó hoạt động phân phối thuốc sẽ áp dụng quy luật cạnh tranh, quy luật loại trừ.

Ông Truyền cho rằng, dù bảo hộ doanh nghiệp là giúp các doanh nghiệp không phá sản, tuy nhiên nếu hệ thống phân phối không tốt thì chính người dân phải gánh chịu những chi phí đó của hệ thống. Do đó, Nhà nước cũng cần phải cân đối lợi ích của cả doanh nghiệp và người dân.

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp dược nội địa phải nghiên cứu, dự báo, và sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật ở Việt Nam. Bởi vì các doanh nghiệp hiện tại vẫn chưa làm tốt công đoạn này. Cho tới thời điểm hiện nay, chưa có doanh nghiệp nội nào đứng lên đề xuất với Bộ Y tế để nhận sản xuất các loại thuốc mà hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Giới chuyên gia lưu ý, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phần các công ty dược Việt. Xu hướng “out sourcing” (sử dụng nguồn lực bên ngoài) cũng như xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) của các công ty dược phẩm đa quốc gia ở Việt Nam vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho ngành dược nội địa.

Chỉ bàn riêng về việc đầu tư vào hạ tầng về tiếp thị và bán hàng, các doanh nghiệp nước ngoài rất mạnh trong chuyện này. Họ sử dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bán hàng. Trước tham vọng đặt chân vào thị trường dược Việt Nam của khối ngoại thì đòi hỏi các doanh nghiệp dược nội địa cần đẩy nhanh hiện đại hóa bán hàng và tiếp thị ở các thị trường đã phát triển, cũng như đầu tư dài hạn cho các thị trường mới nổi.

Nhưng yêu cầu đặt ra hiện tại cho các doanh nghiệp dược nội địa là cần đầu tư ít nhất 5% cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để đạt được những hiệu quả nhất định. Bởi lẽ, thực tế là hạ tầng kỹ thuật, trình độ và kỹ năng R&D của các doanh nghiệp dược nội địa còn rất yếu, hiệu quả của hoạt động R&D thấp, nhất là khi đa số các doanh nghiệp chỉ dùng chưa đến 1% doanh số cho R&D.

Chuyên đề