Triển vọng đặc khu kinh tế Phú Quốc

Xây dựng, phát triển huyện đảo Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế là 1 trong 3 khâu đột phá của Kiên Giang trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 - 2020.
Một góc quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc - Ảnh: Minh Khoa
Một góc quần thể du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc - Ảnh: Minh Khoa

Thu hút đầu tư

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020. Đến ngày 11.5.2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế - hành chính. Năm 2014, H.Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2, hướng tới thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Đây là nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc, định hướng phát triển rõ ràng cùng với các chính sách, cơ chế đặc thù đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để Phú Quốc phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết đến nay tại Phú Quốc đã có nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật quan trọng về giao thông đường bộ, hàng không, điện hoàn thành; nhiều dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ đã được triển khai; dịch vụ hàng không tiếp tục mở rộng kết nối với một số nước tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại của người dân và các nhà đầu tư.

Ông Đoàn Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết 5 năm qua (2011 - 2015) được xem là bước khởi động triển khai đền bù, giải tỏa, phát triển hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư, lao động… Huyện vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách của T.Ư, tỉnh để thực hiện nhiệm vụ và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế những năm qua luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định, bình quân tăng trên 27,5%/năm, trong đó năm 2015 tăng 32,36%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 5.469 USD, tăng 3,7 lần so với năm 2010, doanh thu du lịch đạt 3.140 tỉ đồng, tăng 6,8 lần so với năm 2010. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 1,2%.

Tính đến trung tuần tháng 1.2016, có 230 dự án đăng ký đầu tư vào Phú Quốc với tổng diện tích 10.150 ha. Trong đó, 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn hơn 183.000 tỉ đồng. Theo ông Tiến, trong số những dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay đã có 24 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn 25.830 tỉ đồng; 23 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn 25.371 tỉ đồng.

Phát triển toàn diện

Ông Hồng khẳng định: “Từ năm 2016 - 2020, tỉnh tập trung chỉ đạo huyện đảo Phú Quốc phát triển nhanh và đồng bộ, từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh để tạo cực tăng trưởng và tác động lan tỏa đến các vùng khác”. Để đạt mục tiêu trên, theo ông Hồng, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đảo Phú Quốc phù hợp với định hướng phát triển. Phối hợp hoàn thiện đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc; xây dựng thể chế, chính sách có tính đột phá, có sức cạnh tranh quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu. Triển khai thực hiện các quy hoạch theo hướng khai thác hiệu quả hơn tiềm năng của Phú Quốc.

Từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển. Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo như: đường giao thông trục chính Nam - Bắc đảo, hệ thống đường vòng quanh đảo, Cảng biển quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng dịch vụ dầu khí...

Chuẩn bị quỹ đất sạch và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã quy hoạch; quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhà ở, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, môi trường. Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, liên kết du lịch của Phú Quốc với các vùng trong và ngoài nước; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng; gắn phát triển du lịch với bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái đặc thù.

Chuyên đề