Trạm BOT Tân Đệ và các trạm BOT sai vị trí: Đừng để người dân phải đặt quá nhiều câu hỏi

(BĐT) - Trạm Tân Đệ đã hết thời gian thu phí, tại sao hiện tại vẫn thu? Trạm có thu tuyến tránh Đông Hưng không? Dự án đầu tư từ đâu đến đâu? Tổng mức đầu tư bao nhiêu? Yêu cầu công khai thời gian thu phí? Mức thu tại Trạm Tân Đệ cao là dựa trên những thông tư, văn bản, hợp đồng thu phí nào?...
Từ đầu tháng 5 trở lại đây, ngày cao điểm có đến trên 200 lượt xe vượt Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình). Ảnh: Hà Phương
Từ đầu tháng 5 trở lại đây, ngày cao điểm có đến trên 200 lượt xe vượt Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình). Ảnh: Hà Phương

Đã có rất nhiều câu hỏi được người dân đặt ra liên quan đến Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình) nói riêng và các trạm BOT sai vị trí nói chung bắt nguồn từ việc thiếu thông tin, phải trả tiền sử dụng một dịch vụ mà mình không biết rõ giá trị.

Lại chuyện không đi cũng mất tiền

Theo UBND huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), những ngày qua đã xuất hiện một số xe không chấp hành việc thu phí, xô vào barrier để vượt trạm, diễn ra nhiều nhất từ đầu tháng 5 trở lại đây, ngày cao điểm lên đến trên 200 lượt xe vượt trạm, trong đó 90% là xe đầu kéo.

Thông tin từ UBND huyện Vũ Thư cho thấy, Trạm thu phí Tân Đệ được lập ra để thu phí hoàn vốn cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tân Đệ, hoạt động từ năm 2002 đến năm 2009 thì kết thúc. Tuy nhiên, từ năm 2009 tới nay, Trạm tiếp tục thu phí để hoàn vốn Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ (QL) 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ. Cả 2 dự án này đều do Công ty TNHH MTV Tasco 6 là nhà đầu tư.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 135/TTg-KTN về việc đầu tư cải tạo nâng cấp đoạn tránh thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đồng ý bổ sung đoạn tránh thị trấn Đông Hưng vào hợp đồng BOT Dự án Cải tạo nâng cấp QL 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ. Tasco 6 tiếp tục thực hiện dự án này. Từ tháng 7/2017 đến tháng 9/2021, sử dụng 60% doanh thu Trạm thu phí Tân Đệ để hoàn vốn Dự án Cải tạo nâng cấp QL 10 đoạn cầu La Uyên - cầu Tân Đệ; 40% để hoàn vốn tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng.

Tuyến tránh thị trấn Đông Hưng có tổng chiều dài 6,5 km, điểm đầu tại Ngã ba Đợi thuộc địa phận xã Đông Sơn (Đông Hưng), điểm cuối tại Km75+704 thuộc địa phận xã Đông Các (Đông Hưng). Tổng mức đầu tư khoảng 434 tỷ đồng.

Điều đáng nói, tuyến tránh thị trấn Đông Hưng cách cầu Tân Đệ khoảng trên dưới 20 km. Nhiều phương tiện không đi qua đường tránh nhưng vẫn phải trả phí, gây bức xúc. Hỏi qua nhiều chủ phương tiện thường xuyên qua Trạm Tân Đệ, họ không biết trạm này đang thu phí cho đường nào. Sau khi báo chí phản ánh, họ mới ngã ngửa là bao lâu nay đóng phí cho tuyến đường mình không đi. 

Muốn dân thông cảm, phải minh bạch thông tin

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trong 17 trạm thu phí BOT sai vị trí, Bộ GTVT chỉ đề xuất xóa 1 trạm, gộp 1 trạm, còn lại đều giữ nguyên. Trên nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đưa ra nhiều lý do giải thích cho việc các trạm thu phí này nếu thay đổi sẽ không khả thi, mong đại biểu Quốc hội và cử tri thông cảm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó đã yêu cầu có phương án xử lý dứt điểm đối với các trạm thu phí BOT đặt không đúng vị trí, không phù hợp...

Về Trạm thu phí Tân Đệ, trả lời báo chí, đại diện Tasco 6 khẳng định đã thu đúng quy định. Việc thu ở Trạm Tân Đệ được thực hiện theo hợp đồng với Bộ GTVT, thời gian thu dự kiến kết thúc vào tháng 1/2021. Mức thu tại Trạm Tân Đệ tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư số 137/2016 của Bộ Tài chính và Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT.

Trong khi Nhà đầu tư cho rằng việc thu phí tại Trạm Tân Đệ đúng quy định, thì thực tế vẫn có những bức xúc, vẫn có những phản ứng không đồng thuận từ các chủ phương tiện. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để xử lý vấn đề của Trạm Tân Đệ nói riêng, các trạm BOT đặt sai vị trí nói chung, trước hết cần phải thực hiện công khai minh bạch đầy đủ các thông tin về dự án.

Ông Thanh kiến nghị, phải rà soát lại chi phí tất cả các dự án có trạm BOT đặt sai vị trí, kiểm toán đầy đủ và công bố rộng rãi cho người dân biết. Cách thức đơn giản là làm bảng điện tử đặt tại trạm, công bố tổng mức đầu tư dự án, thông tin cơ bản về dự án, thời gian thu phí, mức thu phí, lưu lượng xe.

Khi thông tin được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư chủ động cung cấp đầy đủ, người dân mới dễ dàng đánh giá được các phương án xử lý đưa ra là hài hòa, hợp lý hay không, từ đó mới có thể đồng thuận, chung tay để giải quyết vấn đề.

Chuyên đề