TPP – Sân chơi sòng phẳng, bình đẳng: Cơ hội song hành thách thức

TPP - Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương đã được 12 nước thành viên chính thức ký kết vào ngày 4-2-2016 và sẽ có hiệu lực sau 2 năm. Đây là một mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính chất toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu và rộng. 
TPP – Sân chơi sòng phẳng, bình đẳng: Cơ hội song hành thách thức

Đàm phán TPP chính là đàm phán sâu về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và các rào cản thương mại. Kể từ số báo này, ĐTTC giới thiệu loạt bài viết của luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hãng luật LP Group, về chủ đề này để bạn đọc, nhà đầu tư và DN có cái nhìn rõ hơn.

Việc tham gia TPP sẽ mở ra cho Việt Nam, các DN trong nước cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đặt ra một loạt thách thức mới cho DN Việt. Có thể nói, việc nhận thức rõ được cơ hội và thách thức mà TPP mang đến và tận dụng các cơ hội để hạn chế và vượt qua thử thách sẽ thúc đẩy các DN  trong nước nhập cuộc một cách mạnh mẽ, sâu rộng và công bằng hơn.

Những cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Theo Vietnam Report, 91% DN đánh giá tích cực về thay đổi liên quan đến chính sách thuế sau khi Việt Nam ký kết TPP. Đây cũng chính một trong muôn vàn cơ hội TPP gián tiếp mang lại cho các DN Việt Nam.

Bản thân cơ hội không tự biến thành lợi ích và đôi khi chính thách thức lại làm nên cơ hội. Giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với thách thức, khó khăn như thế nào. Đối với các DN, chỉ khi có giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được. Vì vậy, để biến thách thức thành lợi thế phụ thuộc vào chiến lược của bản thân DN và Nhà nước.

Thứ nhất, tham gia vào TPP sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu của các DN Việt Nam. Trong TPP có 3 nước áp dụng thuế xuất khẩu là Việt Nam, Malaysia, Canada và 3 nước đều cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Việt Nam hiện tại đã cam kết xóa bỏ đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang có áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5 đến 15 năm sau khi TPP có hiệu lực. Riêng về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế trong Hiệp định TPP, trong đó có 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Thứ hai, TPP có độ mở, độ tự do hóa cao nhất so với các hiệp định đang có, từ khắp các lĩnh vực: không chỉ là về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ mà còn cả về thương mại điện tử, lao động. Độ mở này sẽ tạo ra cơ hội để các DN Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư, thu hút nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.

Thứ ba, TPP giúp tạo ra nhiều việc làm, từ đó thu hút một lượng lớn lao động cho các DN, mang lại những lợi ích về tài chính, cải thiện nguồn nhân lực.

Tóm lại, những lợi thế dành cho DN Việt khi TPP có hiệu lực có thể nhìn thấy được ngay như: thị trường mở rộng ra hơn, thuế quan giảm, có những mặt hàng thuế suất bằng 0%, dễ dàng tìm kiếm những thị trường mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn thì còn có những thách thức đặt ra.

Và thách thức phải đối mặt

Thứ nhất, tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các đối tác tại thị trường trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà với DN các nước tham gia TPP. Thuế nhập khẩu và xuất khẩu của đa số mặt hàng trong tương lai sẽ giảm dần về mức 0% và thị trường đầu tư, dịch vụ, thương mại sẽ mở cửa tự do. Do đó, việc các DN Việt phải làm là giải bài toán về cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước. Hệ quả theo sau thách thức này chính là nguy cơ làm mất đi thị phần nội địa. Thậm chí, các DN trong nước cũng phải cạnh tranh với nhau và bị đào thải nếu không đảm bảo nhu cầu của thị trường. 

Thứ hai, việc áp dụng tiêu chuẩn mới trong TPP sẽ tạo ra rào cản kỹ thuật (kể cả lao động và môi trường) và quyền lợi của nhà đầu tư, thí dụ như chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu đáp ứng về môi trường. Điều này yêu cầu các DN nếu muốn tận dụng cơ hội “vươn tới và tiếp cận” thị trường rộng mở của các nước thì phải am hiểu khi tiếp cận bất cứ thị trường nào, khi đã am hiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn tiên quyết đặt ra mới có thể gia nhập sâu vào thị trường nước bạn.

Thứ ba, các quy định về quyền sở hữu trí tuệ hết sức chặt chẽ, đề cập đến tất cả các nội dung, điển hình như quyền tác giả, nhãn hiệu, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, thực thi quyền sở hữu trí tuệ… Đây chính là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam khi gia nhập TPP, bởi Việt Nam đang là một trong những quốc gia vi phạm bản quyền hàng đầu thế giới. Việc các DN nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình ngay bây giờ chính là một mấu chốt giúp các DN bảo vệ được chính tài sản của DN khỏi sự xâm phạm của DN khác. Đồng thời còn thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, vì không có nhà đầu tư nào muốn đầu tư vào một DN đang vướng phải những tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Thứ tư, vấn đề bên trong của nền kinh tế. Hầu hết các DN và bản thân người dân Việt Nam chưa hình thành và bắt kịp thói quen về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, còn thờ ơ, đôi khi bảo thủ. Vì vậy, khi tham gia TPP sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về những tiêu chuẩn mới, những yêu cầu mới mà DN Việt chưa sẵn sàng để thay đổi.

Bản thân cơ hội không tự biến thành lợi ích và đôi khi chính thách thức lại làm nên cơ hội. Giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với thách thức, khó khăn như thế nào. Đối với các DN, chỉ khi có giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được. Vì vậy, để biến thách thức thành lợi thế phụ thuộc vào chiến lược của bản thân DN và Nhà nước. 

Chuyên đề