TPP buộc doanh nghiệp phải cải cách

(BĐT) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là mô hình mới về hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nước với mục tiêu tiến tới loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản về thuế quan cho hàng hóa, dịch vụ của đối tác tham gia Hiệp định. Đây là hiệp định toàn diện, có mức độ cam kết sâu và rộng. Tuy nhiên, những cam kết về mở cửa thị trường của TPP sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Việt Nam có lợi thế so sánh đặc biệt

Theo chuyên đề về TPP được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, trong số các nước tham gia TPP, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước thành viên nào có được. Cụ thể là ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành hiện nay đang chịu thuế suất cao như dệt may.

TPP sẽ làm tăng thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể cả các nhà cung cấp thượng nguồn cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, việc cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, TPP cũng sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu. Bởi, hầu hết các loại thuế quan và nhiều biện pháp phi thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm ngay lập tức; thuế quan và các chính sách hạn chế khác đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm dần.

Quan trọng hơn, hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia TPP sẽ giúp cạnh tranh giữa các loại hình DN trở nên bình đẳng hơn; DN nhà nước sẽ không còn được hưởng các ưu đãi hay đặc quyền, đặc lợi (về điều kiện tiếp cận vốn, được bảo hộ). Điều này sẽ tạo cơ hội cho khu vực DN tư nhân phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tạo sức ép thúc đẩy các DN nhà nước chủ động hơn trong tiến trình tái cơ cấu. 

Thách thức đặt ra khi phải “bảo vệ sân nhà”

WB nhận định, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 8 - 10%. Tuy nhiên, Việt Nam muốn hòa nhập vào sân chơi lớn này thì mỗi DN cần biết tuân thủ luật chơi, chơi đẹp, chơi tốt thì mới có thể sống khỏe.

Mặt khác, trong khi chúng ta mải mê hướng tới những thị trường xuất khẩu có được nhờ TPP thì DN nội lại phải đối diện với nguy cơ thua trên sân nhà. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước thành viên TPP trên thị trường nội địa với giá cả, mẫu mã và chất lượng cạnh tranh.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là DNNVV, lại là những DN ít vốn, máy móc thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý yếu nên năng suất lao động thấp so với nhiều nước thành viên TPP. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật của các DN Việt Nam còn hạn chế, nhiều bất cập. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của các DNNVV thường yếu, đây là một trong những bất lợi đối với các DNNVV khi tham gia vào sân chơi TPP, khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ những DN, tập đoàn của các nước tham gia TPP.

Riêng đối với việc mở cửa thị trường mua sắm chính phủ, TS. Phan Thế Công thuộc Đại học Thương mại cho rằng, sẽ có những thách thức không hề nhỏ. “Đối với DN Việt Nam, việc mở cửa thị trường mua sắm công theo cách hội nhập sẽ gây ra những tác động bất lợi do sự thâm nhập của các nhà thầu nước ngoài khiến nhà thầu nội địa không cạnh tranh nổi khi khả năng tiếp cận và thắng thầu của các nhà thầu nội địa trên thị trường mua sắm công của các đối tác TPP là hầu như không có do hạn chế về năng lực cạnh tranh” – TS. Phan Thế Công cảnh báo.

Chuyên đề