TP.HCM triển khai nhiều dự án PPP

(BĐT) - Hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư (TVĐT) rất lớn đang được TP.HCM đưa vào danh mục dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới. Cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào các dự án PPP của TP.HCM đang  mở rất rộng.
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Hợp đồng BT được “yêu thích” nhất

Theo UBND TP.HCM, từ khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến quý I/2016, Thành phố đã kêu gọi đầu tư được tổng cộng 17 dự án theo hình thức PPP, với TVĐT khoảng 33.538 tỷ đồng. Trong đó, dự án BT chiếm tỷ trọng lớn với 11/17 dự án, chiếm khoảng gần 65%, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, chống ngập và bảo vệ môi trường. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, đa số các dự án này do nhà đầu tư lập đề xuất dự án.

Theo Danh mục dự án PPP của TP.HCM đã được phê duyệt đề xuất dự án/dự án, có nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất dự án có TVĐT rất lớn, như Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất với TVĐT 9.850 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất với TVĐT hơn 3.345 tỷ đồng; Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu I (khu cổ đại) thuộc Khu công viên Lịch sử - Văn hóa - Dân tộc do Công ty CP Đức Khải đề xuất với TVĐT hơn 936 tỷ đồng…

Ngoài ra, có 4 dự án đầu tư theo hợp đồng BOO (chiếm khoảng 23,5%), gồm Dự án Xây dựng bãi đậu xe ngầm sân bóng đá Tao Đàn (TVĐT hơn 964 tỷ đồng, do Vingroup đề xuất); Dự án Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh áp dụng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP.HCM (262 tỷ đồng, Liên danh CNS - FPT đề xuất); Dự án 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất, TVĐT 124,5 tỷ đồng) và Dự án Đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực Sân vận động Hoa Lư.

Hợp đồng BOT có 2 dự án, gồm Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (1.557 tỷ đồng, Công ty Yên Khánh đề xuất); Dự án Xây dựng cụm rạp chiếu phim tại Trung tâm văn hóa Quận 12 (Công ty TNHH Linh Thanh Tuyền đề xuất, TVĐT 44,9 tỷ đồng).

Theo UBND TP.HCM, hiện Sở KH&ĐT Thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Đến thời điểm này, số lượng dự án đang xin chủ trương đầu tư, đang lập đề xuất dự án và đang thẩm định đề xuất dự án trong danh mục là khoảng 66 dự án với TVĐT cần kêu gọi ước tính khoảng 480.394 tỷ đồng (tương đương 215 tỷ USD).

Những con số này cho thấy, cơ hội để nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng tại TP.HCM là rất lớn. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cũng cho biết, Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đã và đang quan tâm đến các dự án PPP, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP, TP.HCM đang hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện phát triển hạ tầng Thành phố, dự kiến ban hành vào quý IV/2016.

Hàng trăm tỷ USD dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP

Theo UBND TP.HCM, từ khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến quý I/2016, Thành phố đã kêu gọi đầu tư được tổng cộng 17 dự án theo hình thức PPP, với TVĐT khoảng 33.538 tỷ đồng.
UBND TP.HCM cho biết, trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP thời gian qua cũng còn một số khó khăn, vướng mắc.

Trong một báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, TP.HCM đã đề xuất khá nhiều cơ chế mang tính “đặc thù” để thực hiện đầu tư PPP tại Thành phố trong thời gian tới. Đáng lưu ý, Thành phố kiến nghị được chấp thuận về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án PPP có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống sức khỏe, an sinh của người dân cần phải triển khai nhanh. Việc xem xét, quyết định sẽ được Bộ KH&ĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ đối với từng dự án cụ thể. Theo lý giải của địa phương này, trên địa bàn TP.HCM có nhiều dự án kết cấu hạ tầng, môi trường, chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư sắp sập có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống, sức khỏe, an sinh của người dân, cần phải triển khai nhanh.

Liên quan đến các dự án BT, loại hình hợp đồng đang được rất nhiều địa phương áp dụng, TP.HCM cũng đề xuất thêm một số phương thức thanh toán dự án BT, như thanh toán bằng quyền khai thác quảng cáo, khai thác thương mại các công trình khác…; bằng khấu trừ tiền sử dụng đất của các dự án khác đã được giao đất (chưa đóng tiền sử dụng đất); khấu trừ nguồn tăng thu thuế của dự án (hình thành trong tương lai).

TP.HCM cũng kiến nghị cho phép ngân sách Thành phố hỗ trợ một phần chi phí đối với các dự án PPP theo hình thức BOT mà các nhà đầu tư đề xuất nhưng nguồn thu từ dự án không đủ bù đắp chi phí đầu tư. Theo Sở KH&ĐT TP.HCM, sở dĩ có đề xuất này là vì nhiều dự án PPP thực hiện theo hình thức BOT do nhà đầu tư đề xuất nhưng vẫn cần sử dụng đến phần vốn góp nhà nước để bảo đảm việc thu hồi vốn cho nhà đầu tư do nguồn thu từ dự án rất nhỏ.

Chuyên đề