TP.HCM thúc đẩy xã hội hóa giám định tư pháp

(BĐT) - Báo cáo mới nhất của Sở Tư pháp TP.HCM cho thấy, có một thực trạng là giám định viên tư pháp trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng, đất đai… hiện vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Trong khi đó, nhu cầu trưng cầu giám định phục vụ tố tụng đối với sự cố công trình đang ngày càng tăng.
Nhu cầu trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng tăng. Ảnh: Đinh Tuấn
Nhu cầu trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đang ngày càng tăng. Ảnh: Đinh Tuấn

Vừa thiếu vừa yếu

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, đối với việc giám định sự cố công trình xây dựng, phạm vi và khối lượng công tác kiểm định là rất lớn. Thời gian qua, xảy ra những hư hỏng tại một số dự án như: lún sụt nền đường, sạt lở ta luy nền đường, lún và sụt lở đường hai đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật; mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công, sập đà giáo thi công… rất cần sự vào cuộc của đội ngũ giám định viên chuyên nghiệp. Trong khi đó, một số hoạt động giám định liên quan đến Sở Giao thông vận tải cũng chưa được phát triển, giám định viên đủ năng lực còn thiếu trong khi nhu cầu về giám định chất lượng ngày càng nhiều.

Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết thêm, đội ngũ giám định viên tư pháp, nhất là ở những lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, văn hóa… vừa thiếu, vừa kiêm nhiệm. Phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu một cách bài bản và có kiến thức pháp lý cần thiết, mà chủ yếu chỉ dựa vào kiến thức chuyên môn thuần túy để làm giám định. Do đó, nhiều trường hợp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giám định.

Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lập và công bố danh sách tổ chức, người giám định tư pháp của nhiều bộ, ngành và địa phương còn mang tính hình thức, chưa thực sự bảo đảm chất lượng, đặc biệt chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của hoạt động tố tụng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng thiếu và yếu của đội ngũ giám định tư pháp lĩnh vực xây dựng, một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh, sử dụng nhiều vốn ngân sách, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Xã hội hóa để giải bài toán kinh phí

Cũng theo đánh giá của Bộ Tư pháp, hoạt động giám định trong xây dựng gồm nhiều vấn đề phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau (tài chính, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành...), cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý lại chưa tốt. Ngoài ra, khó khăn về kinh phí cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giám định.

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM thừa nhận, mặc dù các sở, ngành chuyên môn đã quan tâm hơn đến công tác giám định thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý nhưng vẫn chưa thật sự tạo điều kiện tốt nhất cho giám định viên tư pháp. Đặc biệt, đội ngũ giám định viên tư pháp ở một số nơi không được bổ nhiệm mới, độ tuổi trung bình đều đã ngoài 50 tuổi.

Bên cạnh đó, kinh phí cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng để trưng cầu giám định tư pháp chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Kinh phí chi trả cho việc thực hiện giám định tư pháp chủ yếu dựa vào kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự và sự hỗ trợ kinh phí của Thành phố. Trong khi đó, chi phí giám định trả cho các tổ chức chuyên môn là rất lớn, có trường hợp chi phí giám định còn cao hơn cả giá trị bồi thường thiệt hại mà các bên đang tranh chấp… Đặc biệt, “đối với lĩnh vực giám định xây dựng, nhu cầu của xã hội ngày càng nhiều cùng tính chất phức tạp trong hoạt động giám định đã gây áp lực đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám định”, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng giám định tư pháp, TP.HCM đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế riêng để thu hút nguồn lực theo hướng xã hội hóa giám định tư pháp, xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (ngoài việc miễn thuế của Trung ương thì có thể ưu đãi thêm các vấn đề khác như miễn thuế đất đai, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị...).

Chuyên đề