TP.HCM quy hoạch doanh nghiệp dệt may vào khu công nghiệp

(BĐT) - Các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may, nhất là sản xuất sản phẩm may mặc hoàn chỉnh, sản xuất sản phẩm phụ trợ ngành dệt may, đang được TP.HCM hướng vào các khu công nghiệp (KCN) còn nhiều quỹ đất.
Cơ hội đầu tư vào các KCN ở TP.HCM với nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may vẫn còn nhiều. Ảnh: Lê Tiên
Cơ hội đầu tư vào các KCN ở TP.HCM với nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may vẫn còn nhiều. Ảnh: Lê Tiên

Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho biết, UBND TP.HCM vừa giao cho Hepza hướng dẫn các nhà đầu tư ngành dệt may vào các KCN còn nhiều quỹ đất cho thuê. Sở dĩ có sự chỉ đạo này là vì gần đây, có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may tìm đến TP.HCM để tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài ở các KCN.

Tuy nhiên, lãnh đạo TP.HCM cũng lưu ý, trong quá trình xúc tiến, thu hút, thẩm định đầu tư các dự án trong lĩnh vực dệt may, yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng liên quan phải tuân thủ thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều này chứng tỏ, TP.HCM cũng rất thận trọng đối với lĩnh vực này – một lĩnh vực vốn rất thâm dụng lao động và tồn tại nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường.

Hiện nay TP.HCM có 3 khu chế xuất và 13 KCN, trong đó các KCN An Hạ, Tân Phú Trung, Hiệp Phước (giai đoạn 2) có tỷ lệ lấp đầy chỉ dưới 30%, số còn lại đã lấp đầy từ 80 - 100%
Ngoài việc tuân thủ các quy trình thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư theo quy định hiện hành, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư, vấn đề xử lý môi trường, nhu cầu sử dụng lao động cũng phải được đặc biệt quan tâm khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.

Ông Vũ Văn Hòa cho biết thêm, đối với các dự án đầu tư có khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm, nhất là việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung tại KCN, cụm công nghiệp, Hepza luôn xem xét kỹ. Đặc biệt, với các dự án dệt may quy mô lớn, có khả năng sử dụng trên 3.000 lao động, Hepza sẽ chủ động xây dựng phương án cung cấp nhân lực phù hợp. Trong tương lai gần, Hepza cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư quy hoạch và xây dựng nhà ở công nhân gắn với quy hoạch phát triển các KCN dệt may.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay TP.HCM có 3 khu chế xuất và 13 KCN, trong đó các KCN An Hạ, Tân Phú Trung, Hiệp Phước (giai đoạn 2) có tỷ lệ lấp đầy chỉ dưới 30%, số còn lại đã lấp đầy từ 80 - 100%. Như vậy, khả năng nhiều chủ đầu tư trong lĩnh vực dệt may có nhu cầu đầu tư ở TP.HCM sắp tới nếu đạt được thỏa thuận sẽ bố trí ở những KCN này.

Để tạo một sự liên kết bền vững cho lĩnh vực dệt may, các trung tâm thiết kế thời trang và các trung tâm giao dịch nguyên vật liệu phục vụ ngành dệt may cũng được UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM xúc tiến thành lập. Như vậy, khi các trung tâm này đi vào hoạt động, nhu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn TP.HCM và vùng phụ cận sẽ được đáp ứng một cách tốt nhất.

Hepza cho biết, Quyết định số 188/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến 2010 có tính đến 2020 xác định quỹ đất khu chế xuất, KCN tập trung là 7.000 ha, trong đó đã khai thác 4.000 ha, diện tích đất còn lại là 3.000 ha. Vậy nên, cơ hội đầu tư vào các KCN ở TP.HCM đối với những nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may vẫn còn nhiều, nếu chứng minh được sự vượt trội về công nghệ và các điều kiện cần thiết khác.

Chuyên đề