TP.HCM: Giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách

(BĐT) - Tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP.HCM khóa VIII, diễn ra ngày 21/4, vấn đề đầu tư công ở TP.HCM đã được các đại biểu và dư luận đặc biệt quan tâm.
Ảnh minh họa. Ảnh Internet
Ảnh minh họa. Ảnh Internet

Theo tờ trình của UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ triển khai tất cả 1.277 dự án đầu tư công với số vốn 137.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách. Trong đó, vốn dành cho giảm ùn tắc, tai nạn giao thông chiếm 36,7%, vốn dành cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 18,5%; vốn dành cho chương trình giảm ngập nước chiếm 14,5% và phần còn lại dành các dự án khác.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM đã cho ý kiến đối với 1 dự án nhóm A, có vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, đó là Dự án Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Đồng thời, trình HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư 317 dự án nhóm B với tổng vốn đầu tư gần 90.500 tỷ đồng và 12 chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách thành phố gần 6.250 tỷ đồng…

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay qua công tác rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, UBND Thành phố đã hủy bỏ, chấm dứt chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 571 dự án, (trên tổng số 1.269 dự án), với tổng diện tích hơn 5.900 ha. Ngoài ra, UBND TP.HCM đã điều chỉnh cắt giảm quy mô diện tích của 9 dự án với diện tích giảm 137 ha. Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị của Thành phố nhìn chung cơ bản đã hoàn thành.
Căn cứ vào nguồn thu ngân sách của Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến nguồn cân đối cho kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn này là khoảng 107.000 tỷ đồng, tăng 1,45% so với giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, theo các đại biểu HĐND TP.HCM, nếu không xã hội hóa việc đầu tư công, thì rất khó huy động đủ nguồn vốn để triển khai các dự án trên.

Đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng, trước thực tế nguồn vốn ngân sách khó kham nổi, Thành phố cần triển khai các dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhiều hơn. Đặc biệt, cần phân tích tính cấp bách từng dự án để có thứ tự đầu tư ưu tiên và nên đánh giá hiệu quả đầu tư công thời gian qua để rút kinh nghiệm.

Đồng thuận với quan điểm này, lãnh đạo TP.HCM cho biết, tới đây, nếu có các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực này thì UBND Thành phố sẽ chuyển đổi các dự án sang hình thức đầu tư PPP hay kích cầu...

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết thêm, con số thực về nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố ước khoảng 310.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 5 năm tới, Thành phố sẽ ưu tiên cho các công trình trọng điểm khoảng 215.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là dành 75.000 tỷ đồng cho các dự án chống ùn tắc giao thông, kế đến là vốn cho đào tạo nguồn nhân lực, giảm ngập nước.

Vẫn theo ông Sử Ngọc Anh, từ đầu năm 2016 đến nay, Thành phố đã huy động được 30.000 tỷ đồng cho 18 dự án đầu tư công theo hình thức PPP. Đây là một con số khá ấn tượng trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tới đây, TP.HCM sẽ tiếp tục cơ chế huy động vốn đầu tư công bằng hình thức này để cộng hưởng sức mạnh từ các phía.

Chuyên đề