Tỉnh Hoà Bình xin hỗ trợ 192 tỷ đồng trả nợ Geleximco

192 tỷ đồng được địa phương xin để thanh toán phần thi công dở dang dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình cho Geleximco. 

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin hỗ trợ 192 tỷ đồng hoặc dùng quỹ đất để trả cho Tập đoàn Geleximco ở dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đã thực hiện dở dang trước đây.

Trong văn bản, địa phương này cho biết, dự án được Thủ tướng đồng ý chủ trương năm 2008. Nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định từ việc khai thác quỹ đất hai bên đường.

Năm 2010, tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng BT với Tập đoàn Geleximco để thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án trên gặp nhiều khó khăn, do sáp nhập các xã Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn) về Hà Nội nên quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư không còn. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, phần lớn diện tích đất dự kiến giao cho các nhà đầu tư lập dự án khác đã được điều chỉnh địa giới về Hà Nội, vì thế, việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo hình thức BT khó đảm bảo tính khả thi.

Khi đó, có đề xuất Chính phủ chuyển giao về Bộ Giao thông Vận tải để tiếp tục triển khai bằng nguồn vốn ODA hoặc theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Vì vậy, tỉnh Hòa Bình và Geleximco buộc phải thực hiện chấm dứt hợp đồng, quyết toán dự án và thanh lý hợp đồng với trị giá khoảng 192 tỷ đồng.

Dự án trên đã được chuyển lại cho Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn nhà đầu tư khác và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Theo UBND tỉnh Hoà Bình, nhà đầu tư trên tiếp nhận phần khối lượng dự án Geleximco đã thực hiện, do vậy, về nguyên tắc có trách nhiệm thanh toán chi phí cho phía Geleximco. Tuy nhiên, khi địa phương có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hạch toán phần tiếp tục giá trị sử dụng (192 tỷ đồng) vào dự án và bố trí kinh phí hoàn trả phần giá trị trên cho tỉnh thì Bộ cho biết không thể đáp ứng được khoản chi phí này do khi triển khai, dự án khó khăn về giải phóng mặt bằng, tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả tài chính.

Chuyên đề