Tìm lời giải cho bài toán vốn đầu tư công

(BĐT) - Nhu cầu đầu tư cao, nguồn lực hạn hẹp, làm thế nào để vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng? Đó là bài toán khó, nhưng không phải không có lời giải.
Việc dùng chính bất động sản khu vực dự án làm tài sản thế chấp để huy động vốn xã hội sẽ không làm tăng nợ công. Ảnh: Lê Tiên
Việc dùng chính bất động sản khu vực dự án làm tài sản thế chấp để huy động vốn xã hội sẽ không làm tăng nợ công. Ảnh: Lê Tiên

Bài toán vốn

Theo báo cáo Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, tổng hợp nhu cầu đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 502.895,14 tỷ đồng. Nhưng do cân đối NSNN có nhiều khó khăn, nên chỉ bố trí được 399.700 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, bằng khoảng 79,5% nhu cầu của các bộ, ngành và địa phương.

Thực tế ở nhiều địa phương do nguồn lực có hạn mà không ít dự án bị kéo dài nhiều năm và kế hoạch năm 2018 cũng khó có thể bố trí đủ để hoàn thành dứt điểm. Đơn cử như Dự án Cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu tại Quảng Trị đã thực hiện trên 5 năm, phải hoàn thành trong năm 2018, nhưng theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, thì dự kiến vốn bố trí vẫn còn thiếu khoảng 124 tỷ đồng. Đây không phải là trường hợp hiếm, tại Quảng Trị, sau khi phân bổ theo đúng thứ tự ưu tiên, thì số vốn bố trí cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2018 chỉ đáp ứng được 36,6%. Các dự án chuyển tiếp khác có nhu cầu vốn là 292,409 tỷ đồng không còn nguồn để bố trí. Sẽ không còn để bố trí cho dự án khởi công mới, dù trong số đó có những dự án rất cần thiết để tạo sự phát triển đột phá cho Tỉnh trong giai đoạn tới.

Tại Khánh Hòa, theo ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Khánh Hòa, Tỉnh cũng gặp phải khó khăn về nguồn lực cho các dự án đầu tư công. Khánh Hòa vừa rồi lại phải dành một phần khắc phục hậu quả của bão nên càng khó khăn. Hiện với các dự án sử dụng ngân sách địa phương, số lượng dự án tiếp khoảng mấy chục dự án, Tỉnh sẽ dồn vốn tập trung cho các dự án có khả năng hoàn thành dứt điểm, nhất là những dự án bức xúc về môi trường, an sinh… Những dự án còn lại sẽ giãn tiến độ để bố trí trong các năm sau khi có nguồn lực. Số dự án khởi công mới từ ngân sách địa phương năm sau cũng chỉ 1 - 2 dự án, là những dự án cấp bách, bức xúc do cử tri yêu cầu, vốn ngân sách trung ương không còn để bố trí cho dự án mới. 

Lời giải từ cách làm công tâm, minh bạch

Trong khi nguồn lực hạn hẹp, ông Nguyễn Văn Nhựt cho rằng, đầu tiên phải sử dụng thật hiệu quả nguồn vốn đã có, chỉ đạo quyết liệt, kiểm soát tiến độ, thúc đẩy giải ngân, đảm bảo chất lượng thi công. Tỉnh cũng sẽ chú trọng tìm kiếm các nguồn lực đầu tư mới, nhất là từ khu vực tư nhân theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương, việc triển khai PPP cũng khó đa dạng các hình thức, hiện mới thực hiện được theo hình thức BT. Ngoài ra, phấn đấu tăng thu ngân sách.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, PGS. TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, khuyến nghị một cách thức mới để huy động vốn đầu tư hạ tầng cơ sở là phát hành trái phiếu công trình thế chấp bằng chính bất động sản. Ông Hảo ví dụ Nhà nước dự kiến làm con đường rộng 30 m, thì thay vì giải phóng mặt bằng 30 m, sẽ giải phóng mặt bằng thêm mỗi bên 20m. Sau đó phát hành trái phiếu công trình, thế chấp bằng chính bất động sản hai bên đường. Sau khi hoàn thành công trình, chắc chắn giá trị đất xung quanh sẽ tăng lên, Nhà nước đấu giá các lô đất này, lấy tiền trả nhà đầu tư. Trong trường hợp chính quyền không trả được nợ thì nhà đầu tư, người dân đã mua trái phiếu công trình có thể siết nợ bằng chính các khu đất, không liên đới tới ngân sách quốc gia.

Theo ông Hảo, đây được xem là giải pháp hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư mà không ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia, không gây áp lực nợ công, mà còn có thể trúng nhiều đích.

Thứ nhất, tránh được nhóm lợi ích móc ngoặc với quan chức để trao đổi công trình với giá rẻ, lợi dụng hình thức BT để có được các khu đất với giá rẻ mạt và không mất tiền để đầu tư hạ tầng cho chính dự án đô thị của mình.

Thứ hai sẽ giải được bài toán về thiếu hụt vốn. Nếu Nhà nước làm xong hết hạ tầng mới đấu giá đất thì sẽ không có tiền để đầu tư ban đầu, Nhà nước phải đi vay nhưng nếu theo cách vay trước nay thì dẫn đến rủi ro nợ công tăng cao. Việc dùng chính bất động sản khu vực dự án làm tài sản thế chấp để huy động vốn xã hội sẽ không làm tăng nợ công.

Lợi ích thứ ba, theo ông Hảo, các dự án đầu tư công của chính quyền sẽ vô cùng hiệu quả, sẽ không còn trường hợp nhà ông bí thư, chủ tịch ở đâu đó mà vẽ ra một dự án xây con đường, cây cầu chạy qua nhà quan chức. Muốn phát hành được trái phiếu công trình, Nhà nước phải lựa chọn những dự án khi hoàn thành sẽ có hiệu quả xã hội, làm tăng giá trị đất đai xung quanh, lúc đó người dân mới đồng ý mua trái phiếu. Cơ quan nhà nước phải thay đổi cách thức lựa chọn, xây dựng dự án, phải chứng minh được hiệu quả công trình, đảm bảo minh bạch để thuyết phục được người dân - nhà đầu tư cho vay. Đây là cách dùng bàn tay thị trường giảm bớt những dự án giao thông không có hiệu quả kinh tế, xã hội.

“Cách làm này đã thực hiện thành công ở một số quốc gia và hoàn toàn khả thi ở Việt Nam, nếu cơ quan nhà nước quyết tâm làm”, ông Hảo khẳng định.

Chuyên đề