Tìm giải pháp để doanh nghiệp hội nhập quốc tế thành công và bền vững

Ngày 27/8, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) chủ trì tổ chức đã diễn ra tại Thanh Hóa, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững”.
Tìm giải pháp để doanh nghiệp  hội nhập quốc tế thành công và bền vững

Ngày 27/8, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) chủ trì tổ chức đã diễn ra tại Thanh Hóa, với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đất nước đang bước vào làn sóng hội nhập mới, cơ hội và thách thức đan xen. Vì vậy, ở Diễn đàn Kinh tế mùa thu cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, UBKT mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, những phản biện về hội nhập để khắc họa bức tranh toàn cảnh của Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào thế giới.

Tại Diễn đàn, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều chuyên gia đã tổng kết lại những kết quả của quá trình hội nhập mà Việt Nam đã đi qua, đồng thời “hiến kế” giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội để hội nhập quốc tế thành công.

IMG

Bên cạnh thời cơ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vấp phải rất nhiều thách thức và cần những sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế

 Ảnh: Nhã Chi

Theo WB, Việt Nam đang khai thác các cơ hội tăng trưởng bằng cách hội nhập kinh tế sâu hơn, bao gồm cả việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN và các đối tác lớn khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Rất nhiều hiệp định đã được ký kết và đang được thực thi từng bước. Việt Nam hiện đang đàm phán một số hiệp định quan trọng, bên cạnh khả năng tiếp cận thị trường, quá trình hội nhập cũng hỗ trợ các cải cách về thể chế của Việt Nam. Những thay đổi quan trọng này sẽ đưa Việt Nam đi đúng con đường tạo ra một nền kinh tế giàu sức cạnh tranh và sáng tạo hơn. 

Nhiều ý kiến từ Diễn đàn cũng nhận định, các hiệp định mới sẽ mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, bên cạnh  thời cơ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vấp phải rất nhiều thách thức và cần những sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước trong quá trình hội nhập này. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra một thực tế đầy lo ngại là dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những hiệp định, thỏa thuận thương mại mà Việt Nam đã tham gia chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả. 

Các tham luận tại Diễn đàn đã cùng đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công hơn, như Nhà nước cần thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập; xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường khâu quản trị doanh nghiệp;… 

Sau Diễn đàn, UBKT sẽ chuẩn bị nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 tới về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới đến nay.

 Việt Thắng

Chuyên đề