Tìm động lực tăng trưởng cho kinh tế năm 2016

(BĐT) - Nhìn bề ngoài, nhiều chỉ số của nền kinh tế năm 2015 có vẻ tốt lên, nhưng những yếu tố được cho là động lực của tăng trưởng kinh tế lại chưa có sự thay đổi, tiềm năng gần như bị “tận khai”. Cải cách, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là điều kiện tiên quyết tạo động lực cho tăng trưởng cho năm 2016.
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2015 chủ yếu là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2015 chủ yếu là từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp trong nước vẫn ọp ẹp

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sức khỏe của doanh nghiệp trong nước luôn là động lực tăng trưởng bền vững của một nền kinh tế. Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động đã lên mức “kỷ lục mới”, trong khi đó môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn được ca tụng là được cải thiện hơn, kinh tế vẫn có sự tăng trưởng. “Vậy tại sao doanh nghiệp giải thể nhiều hơn, doanh nghiệp phát triển ọp ẹp hơn mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng được?”, bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Lý giải điều này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định: “Động lực của nền kinh tế trong năm 2015 chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước”. Điều này thể hiện ở việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015 tăng đáng kể so với nhiều năm trước. Năm 2015, giải ngân vốn FDI đạt 14,5 tỷ USD, cao hơn năm 2014 (12,4 tỷ USD) và giai đoạn 2011 - 2013 là từ 10,5 - 11,5 tỷ USD/năm. “Động lực của nền kinh tế năm 2016 cũng sẽ vẫn như vậy. Song vấn đề là để phát triển bền vững thì không thể là khu vực FDI” – ông Trương Đình Tuyển dự báo.

Theo khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã có những đánh giá lạc quan hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam như: sự ổn định kinh tế vĩ mô; cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và việc Chính phủ ban hành các luật, chính sách mới tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song, ở góc nhìn của mình, bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn được khen là hiệu quả, làm tốt nhưng khi nhìn vào thực tế, các tổ chức quốc tế chỉ đánh giá, sự cải thiện của Việt Nam dựa trên các văn bản, và nếu đánh giá sự cải thiện dựa trên văn bản mà không nhìn vào quá trình thực thi là không thực tế”. 

Cải cách trong nước là điều kiện tiên quyết

Theo nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam bước vào năm 2016 với khá nhiều lạc quan như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, và một bộ máy điều hành mới cũng sẽ sớm được thiết lập. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta cần phải tìm một hướng đi mà trong đó cải cách trong nước là điều kiện tiên quyết và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp.

Theo phân tích của ông Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng có những điểm mới đáng ghi nhận trong việc thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu của đổi mới về phát triển và hội nhập quốc tế. Và hệ quả của nó là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Do đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế sâu rộng; loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệch và méo mó thị trường. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả và đồng bộ, khả thi các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.

“Bước vào năm 2016 với sự bắt đầu của giai đoạn phát triển kinh tế mới, chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn nhờ những nhân tố mới về bộ máy, nhân sự, Chính phủ mới, nhiệm kỳ mới từ đó sẽ có những hành động mới. Do đó, chúng ta cũng có thể đặt kỳ vọng nhiều hơn vào những cải cách từ những nhân tố mới này”, ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ lạc quan.

Chuyên đề