Thúc đẩy dòng chảy FDI từ châu Âu vào Việt Nam

Tiếp tục những khẳng định cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ châu Âu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA) có hiệu lực vào năm 2018, song theo Sách Trắng 2016 do EuroCham vừa công bố, để tăng sức hút luồng vốn này, Việt Nam cần rất nhiều điều kiện.
Là cửa ngõ vào ASEAN, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với doanh nghiệp EU và là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Ảnh: ST
Là cửa ngõ vào ASEAN, Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng với doanh nghiệp EU và là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Ảnh: ST

Lạc quan trước sự chuyển mình nhanh chóng của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, bà Nocola Connolly, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)  đã nhận định rằng, với những đặc điểm tích cực, Việt Nam có lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp châu Âu.

Không chỉ là nhờ cơ cấu dân số vàng, một lực lượng lao động năng động với giá nhân công thấp, mà theo bà Connolly, với vị trí chiến lược và khoảng cách rất gần các nước láng giềng ASEAN, thậm chí còn là cửa ngõ vào ASEAN, Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng với doanh nghiệp EU và là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn.

“Việt Nam chào đón một cách rộng rãi FDI vào các hoạt động sản xuất. Sự mở cửa dần hầu hết các ngành dịch vụ theo lộ trình cam kết hội nhập, cũng như việc áp dụng các ưu đãi đầu tư bao gồm cắt giảm thuế trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ môi trường, nông nghiệp cũng hấp dẫn doanh nghiệp EU. Đó là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp EU luôn dẫn đầu trên toàn cầu”, bà Connolly nói và cho biết, đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong Sách Trắng 2016, mà EuroCham vừa chính thức công bố.

Tất nhiên, cơ hội được mở ra ngày càng lớn hơn khi VEFTA đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ năm 2018. Cả Việt Nam và phía EU đều nhấn mạnh điều này. “Đây là một FTA toàn diện tham vọng nhất của EU. Vì thế, từ ngày hôm nay, hai bên đã bắt đầu làm việc với tất cả các biện pháp nhằm chuẩn bị cho việc thực hiện toàn diện, hiệu quả nhất Hiệp định”, ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói.

Câu chuyện với EU có lẽ đơn giản hơn nhiều. Còn phía Việt Nam, dù không nhắc tới những công việc chuẩn bị mang tính chất kỹ thuật, thì cũng còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cạnh tranh thu hút FDI giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng cũng đã được cảnh báo.

“Chúng tôi vẫn có những lo ngại tiềm tàng liên quan tới các thủ tục hành chính, thuế, hải quan khi vẫn còn tệ quan liêu, rườm rà... Các quy định về ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng, định nghĩa về dự án đầu tư mở rộng còn khá mơ hồ, ưu đãi thuế trong các khu công nghiệp kém ưu đãi hơn so với trước đây…”, Sách Trắng 2016 đề cập.

Trong khi đó, liên quan tới việc làm sao thúc đẩy dòng vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam, các thành viên EuroCham đặc biệt quan tâm tới các nội dung liên quan đến hoàn thiện chính sách về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và mô hình hợp tác công - tư (PPP)…

“Chúng tôi đã rất kỳ vọng những thay đổi trong chính sách về M&A, nhưng hiện tại vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai nên cần có hướng dẫn và giải thích cụ thể hơn từ các cơ quan Chính phủ. Chẳng hạn, phải làm rõ các quy định liên quan tới điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; làm rõ cơ sở tính toán thị phần của công ty bán cổ phần tiềm năng khi xác định vấn đề tập trung kinh tế; thống nhất định nghĩa về giá chuyển nhượng; và cả việc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh trong các giao dịch M&A như thế nào…”, ông Phùng Anh Tuấn, Tiểu ban Pháp luật của EuroCham đề xuất.

Cũng theo ông Tuấn, các quốc gia khác trong khu vực có những lợi thế tương tự Việt Nam, như lực lượng lao động trẻ và nhân công rẻ đang cạnh tranh thu hút FDI. Do vậy, điều quan trọng là Việt Nam phải suy trì được sức hấp dẫn bằng cách đưa ra một quy trình cấp phép minh bạch, đơn giản và hiệu quả,

“Việc này sẽ giúp thúc đẩy thị trường M&A phát triển, từ đó thu hút vốn đầu tư. Hơn thế, cả doanh nghiệp và cơ quan cấp phép đều giảm bớt được gánh nặng thủ tục hành chính”, ông Tuấn lý giải.

Trong khi đó, ông Sean Conaty, Tiểu ban Pháp luật EuroCham lại bày tỏ mối quan tâm tới việc Việt Nam sẽ phát triển mô hình PPP như thế nào. “Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần tới hàng chục tỷ USD vốn đầu tư. Mô hình PPP đã được thí điểm triển khai, khung pháp lý cũng đã được xây dựng, nhưng điều chúng tôi cần là một danh sách các dự án chờ một cách minh bạch, rõ ràng”, ông Sean Conaty nói và cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần xem xét tập trung vào các dự án đầu tàu, mà nếu các dự án này thành công sẽ kéo theo nhiều cơ hội đầu tư khác.

“Cũng cần có thêm cơ chế thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới. Ví dụ đối với các dự án BOT ngành điện. Cần tạo ra các tiền lệ thí điểm tốt, tương tự như vậy là nâng cao năng lực cho các cơ quan chính phủ, các cán bộ cấp tỉnh trong triển khai PPP và đấu thầu quốc tế các dự án này để nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt những lo lắng về rủi ro trong quá trình thực hiện dự án”, ông Conaty nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, giai đoạn thí điểm thực hiện PPP triển khai còn chậm, việc lựa chọn dự án PPP thí điểm chưa đúng hướng. “Ban đầu, chúng tôi lựa chọn dự án dựa trên các đề xuất của các địa phương, lập danh sách để ‘bày hàng’ cho các nhà đầu tư. Bây giờ, chúng tôi sẽ đi theo quy trình ngược lại. Đó là thay vì Nhà nước lựa chọn dự án PPP thí điểm, thì sẽ để nhà đầu tư tự lựa chọn dự án nào tốt, có khả năng sinh lời trong tất cả các dự án mà Việt Nam mong muốn đầu tư”, ông Đông nói và nhấn mạnh, để triển khai PPP thành công, cần thiết phải xây dựng danh mục các dự án chờ hấp dẫn, vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD, bởi nếu thực hiện đơn lẻ thì sẽ kém hấp dẫn hơn.

Chuyên đề