Thuận lợi hóa PPP để bổ sung vốn cho đầu tư phát triển

(BĐT) -Trong bối cảnh nguồn vốn ODA sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, việc tận dụng huy động khai thác từ các nguồn vốn khác, đặc biệt là thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là một nguồn vốn hết sức quan trọng và hiệu quả bổ sung cho đầu tư phát triển.
Vốn huy động thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư sẽ là một nguồn lực hết sức quan trọng và hiệu quả bổ sung cho đầu tư phát triển - Ảnh: Tất Tiên
Vốn huy động thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư sẽ là một nguồn lực hết sức quan trọng và hiệu quả bổ sung cho đầu tư phát triển - Ảnh: Tất Tiên

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA sẽ giảm mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam được công nhận là quốc gia có thu nhập trung bình, theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia quốc tế, việc tận dụng huy động khai thác từ các nguồn vốn khác, đặc biệt là thông qua hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ là một nguồn vốn hết sức quan trọng và hiệu quả bổ sung cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để có thể khai thác hiệu quả được nguồn vốn này thì còn nhiều bất cập thực tiễn cần phải được khắc phục.

Còn nhiều bất cập trong triển khai mô hình đầu tư PPP

Theo số liệu Báo cáo Phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2015 dẫn nguồn số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới về Cơ sở dữ liệu dự án kết cấu hạ tầng có sự tham gia của khu vực tư nhân, trong giai đoạn từ 2000 - 2014, các dự án PPP tại Việt Nam trung bình đạt giá trị khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Các dự án lớn tập trung vào lĩnh vực năng lượng, chủ yếu theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó đáng chú ý phải kể đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 – dự án đầu tiên được triển khai theo hình thức này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Báo cáo, mặc dù Dự án này và một số dự án tương tự khác đã thu được thành công, nhưng xu thế đầu tư theo hình thức PPP vẫn rất hạn chế.

Cũng theo Báo cáo, mặc dù có sự mở cửa ngày càng lớn cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án trong thời gian gần đây, song đầu tư tư nhân cho kết cấu hạ tầng vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân được chỉ ra là do quá trình phê duyệt và hỗ trợ của Chính phủ chưa chắc chắn, các quy trình đấu thầu cạnh tranh không theo chuẩn mực và vẫn còn những hạn chế lớn về đầu tư công có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Thách thức lớn nhất để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP là đưa dự án khả thi ra thị trường. Điều này phản ánh những trở ngại trong giai đoạn chuẩn bị dự án như kiến thức chuyên môn và năng lực của Chính phủ, không đủ khuôn khổ pháp lý cho PPP, không chắc chắn về ưu đãi và thỏa thuận bắt đầu, quy trình cấp phép phức tạp và thường không rõ ràng”, Báo cáo nhận định. 

Cần nhiều nỗ lực nâng cao vai trò của PPP tại Việt Nam

Trong khuyến nghị gửi tới Chính phủ tại VDPF 2015, các nhà tài trợ và đối tác phát triển cho rằng, Việt Nam cần xây dựng được một Danh sách các dự án kết cấu hạ tầng khả thi thực hiện theo hình thức PPP một cách minh bạch. “Để đạt được điều này, Chính phủ cần quan tâm đến những hành động chính sách khẩn cấp. Trước hết là, các cơ quan chức năng cần tìm hiểu các phương án lựa chọn góp vốn nhà nước cho các dự án PPP (như y tế, giáo dục và cấp nước) nhằm đảm bảo tính khả thi thương mại trong dài hạn. Thứ hai là, hỗ trợ phát triển chuẩn hóa các tài liệu của PPP nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho việc đàm phán các thỏa thuận đơn lẻ”, khuyến nghị nêu rõ.

Cụ thể, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, cần có những nỗ lực lớn hơn để nâng cao vai trò của PPP tại Việt Nam. “Để bắt đầu quá trình này, thông tin Việt Nam thực hiện thành công các dự án PPP phải được tăng cường, mở rộng hơn nữa nhằm thu hút các đầu tư trong nước và quốc tế trong các sáng kiến trong tương lai. Trước đây, các quy trình của Việt Nam không rõ ràng và không có một tiêu chuẩn nào cho các quy trình đấu thầu cạnh tranh. Đến nay, đã có một vài nguồn đầu tư công quan trọng có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng còn khá hạn chế, các chương trình PPP có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài lại càng ít hơn. Để đạt được điều này, cần phải có sự tập trung chọn lọc các dự án đã thực hiện và có tác động tốt để chứng minh giá trị của mô hình PPP. Cũng cần phải có nỗ lực phối hợp của Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình này và đảm bảo rằng nó được thực hiện theo tiêu chuẩn thực tiễn tốt nhất”, ông Eric Sidgwick đề xuất.

Cũng theo ông Eric Sidgwick, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện một chương trình PPP đáng tin cậy, cần phải nâng cao sự hiểu biết của khu vực tư nhân về chia sẻ rủi ro có thể có giữa khu vực công và khu vực tư. Với mức giá định trước, điều quan trọng là phải xác định các mức chênh lệch hợp lý và/hoặc sử dụng các bảo đảm của khu vực công thì mới đưa ra được dự án PPP khả thi. Việc thực hiện các quy định và hướng dẫn tài chính về chênh lệch này là một bước quan trọng trong việc nâng cao sự quan tâm của khu vực tư nhân đối với các dự án PPP.

Một vấn đề nữa mà ông Eric Sidgwick lưu ý là sự không rõ ràng về chuyển đổi đồng Việt Nam sang ngoại tệ đối với các khoản nợ dài hạn cũng hạn chế tính khả thi của dự án đối với các đối tác nước ngoài. “Khu vực tài chính tại Việt Nam vẫn kém phát triển và khó có khả năng cung cấp vốn dài hạn cần thiết mà các nhà đầu tư cần. Trong khi các đối tác phát triển sẵn sàng đánh giá khả năng cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ, Chính phủ cũng có thể cân nhắc ưu và nhược điểm của việc cung cấp bảo đảm hoán đổi tiền ngoại tệ cho các dự án có kết quả tốt”, ông Eric Sidgwick khuyến nghị.

Chuyên đề