Thừa Thiên - Huế thu hút 140 dự án đầu tư

Quý I, các khu công nghiệp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút thêm 3 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.239,7 tỷ đồng.
Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).
Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên Huế).

Như vậy, đến nay, các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thu hút được 140 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64.300 tỷ đồng; trong đó, có 35 dự án FDI với vốn đăng ký 1.740 triệu USD.

Năm 2017, được Thừa Thiên - Huế chọn làm "Năm Doanh nghiệp; năm kỷ cương, kỷ luật hành chính". Theo đó, tỉnh phấn đấu thu hút 20 dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trong năm nay.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa phương; trong đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp được xem nhưng địa bàn là trọng điểm thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn I và II đạt 98,5%. Khu công nghiệp Phong Điền khu B và khu B mở rộng đạt 74%. Khu công nghiệp Phú Đa đạt 42,5%.

Đáng chú ý, tỉnh đã nỗ lực hình thành Khu công nghiệp phụ trợ dệt may Phong Điền với quy mô 400 ha. Hiện UBND tỉnh đang xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và cục bộ đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm.

Tại khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu hoặc tương đương.

Đề án xây dựng khu công nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí rà phá bom, mìn, vật liệu nổ từ nguồn ngân sách địa phương.

Các dự án đầu tư tại đây còn được miễn tiền thuê đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung; diện tích đất còn lại được miễn tiền thuê 15 năm sau thời gian xây dựng cơ bản; được vay tối đa 70% tổng vốn đầu tư từ các tổ chức tín dụng cùng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có một số nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án như dự án hạ tầng khu công nghiệp số 2 của Công ty CP Thiên Hà Kameda với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Dự án Bến số 2 - Cảng Chân Mây của Công ty CP Cảng Chân Mây với vốn đăng ký 850 tỷ đồng.

Dự án đầu tư tổ hợp dây chuyền kéo Sợi của Công ty Cổ phần Sợi Phú Quang với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Dự án khu du lịch sinh thái biển Lăng Cô của Công ty Cổ phần Châu Á Thái Bình Dương với tổng mức đầu tư 580 tỷ đồng.

Dự án tinh chế cát silic thành nguyên liệu cao cấp, siêu trắng, siêu mịn của Công ty Cổ phần Phượng Hoàng Xanh A&A với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng…

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế Tỉnh chú trọng xúc tiến với các tập đoàn, nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp có uy tín, năng lực và tiềm lực về tài chính; tiếp tục làm việc với các Tập đoàn FLC, Vingroup, Bitexco, Viglacera; hợp tác với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như Jica, Koica, Jetro để tiến hành quảng bá, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ.

Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ, chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, tạo quỹ đất sạch với đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Đối với khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tổ chức giao ban hiện trường dự án để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời đôn đốc tiến độ triển khai dự án.

Tỉnh tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong khu kinh tế, đặc biệt là đê chắn sóng cảng Chân Mây. Đồng thời, tập trung rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ, không có khả năng triển khai để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khác nghiên cứu dự án.

Ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, các công trình giao thông, điện nước, đào tạo nghề…, khi thực hiện đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn về thuế.

Đặc biệt, các thủ tục đầu tư có liên quan được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi theo cơ chế quản lý "Một cửa, tại chỗ", đảm bảo rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án...

Chuyên đề